UBND cấp xã cần được trao quyền phòng, chống bạo lực gia đình

14/06/2023 - 07:33

 - Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo (hiệu lực từ ngày 1/7/2023) có nhiều điểm mới. Trong đó, xử lý nhanh hành vi bạo lực gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền đề nghị xử lý hình sự.

Theo dự thảo nghị định, nhiều quy định mới được đề ra, như: Nâng khoảng cách cấm tiếp xúc lên 50m; sẽ có tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; xem xét xử lý hành vi bạo lực tội cố ý gây thương tích, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền đề nghị xử lý hình sự.

Theo đó, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình khi thấy hành vi bạo lực gây tổn hại (hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân) thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc.

Đáng chú ý, dự thảo còn quy định người có hành vi bạo lực gia đình đã bị cấm tiếp xúc 2 lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực, Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, về tội “Cố ý gây thương tích”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Trong thực tế, nhiều năm qua, phụ nữ (lẫn nam giới) bị bạo hành nhưng không dám lên tiếng, cố tình che giấu hành vi bạo lực cho chồng (vợ) của mình. Có nhiều lý do khiến người bị bạo hành không lên tiếng, đặc biệt là không muốn để người khác biết chuyện gia đình mình. Đây là hiện tượng thường thấy, như người xưa hay nói “tốt khoe xấu che”, “nhà ai nấy biết”.

Có trường hợp giấu kín chuyện bị bạo hành để giữ “hòa khí” cho gia đình, tránh đổ vỡ, gây hệ lụy khó lường về sau, không muốn “đáo tụng đình”. Hoặc không ít trường hợp chị em báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng việc xử lý, giải quyết chưa đủ sức răn đe người bạo hành, cuối cùng họ vẫn “chứng nào tật nấy”.

Từ đó, hành vi bạo hành càng thô bạo và nặng nề hơn, khiến người bị bạo hành không còn cảm thấy an tâm khi nhờ trợ giúp. Cuối cùng, họ thường chọn cách im lặng chịu đựng cho qua chuyện, đến khi được phát hiện thì hậu quả đã nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã cho biết, theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành và một số văn bản có liên quan, khi tiếp nhận thông tin bị bạo lực gia đình, thường là phụ nữ, UBND xã sẽ chỉ đạo thành viên của ban chỉ đạo công tác gia đình giải quyết vụ việc.

Qua đó, phối hợp công an, cá nhân, tổ chức liên quan kiểm tra, xác minh nguồn thông tin, đánh giá sơ bộ thực trạng vụ việc, mức độ gây tổn hại của nạn nhân. Sau đó, mời các bên làm rõ tính chất vụ việc, tùy mức độ đề nghị cấp trên xem xét, quyết định. Khi quy định mới có hiệu lực thi hành, sẽ giúp việc xử lý hành vi bạo lực được nhanh, hiệu quả, có tính răn đe hơn, góp phần quan trọng ngăn chặn việc bạo lực gia đình - thường âm ỉ, khó phát hiện. 

Luật sư Nguyễn Thị Bạch Xuân (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định hiện hành, nếu người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, mà trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày áp dụng các biện pháp, vẫn có hành vi bạo lực, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi bị áp dụng biện pháp này nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực, thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Như vậy, không đủ tính răn đe.

Theo thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng một số văn bản có liên quan, việc thu thập, báo cáo thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình, UBND cấp xã khi tiếp nhận thông tin người bị bạo lực gia đình phải báo cáo để UBND cấp huyện xử lý.

Tuy nhiên, xã, phường là nơi gần nhất, nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ dân, nên người bị bạo lực có thể đến trình báo lấy lời khai đầu tiên, giải quyết khách quan, nhanh chóng. Qua đó, pháp luật quy định giao Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự là hoàn toàn phù hợp. Khi nghị định mới có hiệu lực pháp luật, đối tượng bị bạo hành (thường là phụ nữ) sẽ có "tấm khiên" bảo vệ hiệu quả; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới thực sự đi vào cuộc sống.

Dự thảo nghị định gồm 3 chương, 52 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 13/2022/QH15 (thông qua ngày 14/12/2022). Cụ thể, như: Quy định việc áp dụng hành vi bạo lực gia đình đối với người đã ly hôn, người chung sống như vợ chồng, đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau; quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; quy định chi tiết về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; điều kiện hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thành lập không vì mục đích lợi nhuận; ngân sách nhà nước cho phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan...

N.R