UBND tỉnh An Giang yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch COVD-19 khi thực hiện Chỉ thị 16

20/07/2021 - 18:37

 - Chiều 20-7 Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký Công văn 727 /UBND-TH về việc một số nội dung thực hiện công tác phòng, chống dịch COVD-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo:

 Đối với thực hiện giãn cách tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp có vốn nhà nước (gọi chung là đơn vị) căn cứ tình hình thực tế và thực hiện nhiệm vụ được giao, thủ trưởng các đơn vị quyết định cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là nhân viên) của đơn vị được nghỉ và làm việc trực tuyến tại nhà; số lượng người được nghỉ không quá 50% tổng số nhân viên của đơn vị, trừ các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định (công an, quân sự, biên phòng, y tế, dân quân tự vệ…).

Thời gian thực hiện: từ ngày văn bản này ban hành đến hết ngày 1-8-2021. Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp.

Thủ trưởng các đơn vị tổ chức sắp xếp công việc hợp lý, đảm bảo các hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công văn  714/UBND-KGVX, ngày 17-7-2021 của UBND tỉnh; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; chỉ đạo tất cả nhân viên của đơn vị đăng ký lịch làm việc cụ thể (ngày làm việc tại cơ quan và tại nhà); có cơ chế quản lý và chịu trách nhiệm quản lý đối với nhân viên được bố trí, phân công làm việc nhà. Yêu cầu tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gương mẫu chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những nhân viên khi đến cơ quan làm việc phải mang theo thẻ công chức, viên chức, giấy xác nhận của đơn vị để thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch của các lực lượng chức năng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn  705/UBND-KGVX, ngày 14-7-2021 về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công văn 694/UBND-KGVX, ngày 14-7-2021 của UBND tỉnh; nghiêm cấm hành vi sử dụng thẻ công chức, viên chức, giấy xác nhận đi ra ngoài trong thời gian được phân công làm việc tại nhà, trừ những trường hợp thật sự cần thiết; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi  phạm theo quy định.

Yêu cầu thiết lập mã QR tại trụ sở làm việc của đơn vị; tất cả nhân viên cài đặt hệ thống phần mềm BlueZone để khai báo y tế khi đến cơ  quan làm việc và khi ra về. Thủ trưởng các đơn vị phân công bộ phận theo dõi tổng hợp kết quả khai báo y tế hằng ngày đối với những nhân viên tại đơn vị và lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Đối với các lĩnh vực thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội được quy định tại khoản e  điểm 1 của Công văn 694/UBND-KGVX, ngày 14-7-2021 của UBND tỉnh, chủ doanh nghiệp, người đứng đầu chịu trách nhiệm xác nhận cho nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thực hiện nghiêm quy định tại khoản e điểm 1 của Công văn 694/UBND-KGVX, ngày 14-7-2021 của UBND tỉnh, trong đó lưu ý luôn đảm bảo thực hiện "5K", tổ chức giảm quy mô sản xuất, đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc tổ chức các phương tiện đưa đón công nhân tập trung từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm vào đơn vị sản xuất của doanh nghiệp. Các trường hợp không đảm bảo các quy định nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.

Đối với quản lý hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động các chợ truyền thống tại địa phương, đảm bảo thực hiện nghiêm biện pháp "5K" của Bộ Y tế; kiên quyết dừng ngay hoạt động những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hoặc phát hiện trường hợp F0.

 Bố trí các chốt kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các ngõ ra, vào ở các chợ; yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế đối với tất cả người dân khi đến chợ thực hiện việc trao đổi, mua bán hàng hóa.

Tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các ban quản lý chợ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến bà con tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ về các biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế, nâng cao ý thức tham gia phong trào toàn dân phòng, chống dịch.

Yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện cấp phát phiếu đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... (gọi chung là chợ) đến từng hộ dân; mỗi hộ  chỉ được đi chợ 3 lần/tuần và cử đại diện một người/hộ đi chợ; trên phiếu có họ tên, địa chỉ, ngày giờ vào chợ cụ thể...

Các địa phương, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các chợ, người đứng đầu quản lý siêu thị, cửa hàng tiện ích... có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng phiếu đi chợ đảm bảo đúng quy định; nghiêm cấm mọi hình thức sử dụng phiếu nhiều lần/hộ gia đình, cho mượn phiếu...

Khuyến khích thực hiện đa dạng hóa hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, giảm tối thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán, như bán hàng qua điện thoại, giao hàng tại nhà... Thường xuyên cung cấp thông tin tại khu vực chợ về nguồn cung và giá cả hàng hóa, các địa chỉ bán hàng giao tại nhà, các dịch vụ giao hàng... để người dân biết, lựa chọn.

 Đối với các chợ trung tâm, chợ có quy mô lớn, yêu cầu phải bố trí bến, bãi tập kết, bốc dỡ hàng hóa và tách biệt khu vực chợ. Ngoài thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch, các ngành chức năng, các nan quản lý chợ thực hiện việc phun xịt khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực bến, bãi.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông- Vận tải phối hợp Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang, UBND các huyện thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tuyên truyền cho các phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe...) nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Yêu cầu hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (thực hiện thông điệp "5K", đặc biệt là khai báo y tế, phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng trang phục phòng, chống dịch, sát khuẩn tay, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày…).

HẠNH CHÂU