Ứng dụng thành công mô hình trồng cây kỷ tử trong nhà lưới

16/04/2024 - 06:14

 - Với sự đồng hành của các ngành chuyên môn nông nghiệp thành phố và địa phương, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới.

Cây kỷ tử được trồng thành công tại TP. Long Xuyên

Điển hình, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1988, ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) tự nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư mua cây kỷ tử từ Hàn Quốc về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Nhờ phù hợp thổ nhưỡng nên cây phát triển khá tốt. Do đó, chị Linh tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình theo hướng công nghệ cao.

Qua tìm hiểu và thử nghiệm trồng nhiều loại giống cây khác nhau nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Với mong muốn tạo ra được nhiều sản phẩm an toàn đối với sức khỏe cho người tiêu dùng và mang đặc trưng riêng của bản thân, từ một số cây giống nhỏ mang về, chị Linh học cách nhân giống để mở rộng diện tích trồng.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng ban đầu, chị Linh gặp không ít khó khăn, như: Cây bị chết, không phát triển, không cho trái… Nhưng với bản tính ham học hỏi, quyết tâm không từ bỏ, chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các đặc tính, cách trồng, thông tin liên quan đến cây kỷ tử trên mạng Internet.

Qua một số lần cây bị chết, chị Linh đã rút ra nhiều kinh nghiệm, như: Cây kỷ tử ưa ẩm nhưng không chịu được úng, cây ưa nắng, dễ bị xuống bộ lá khi trái chín nếu không đủ dinh dưỡng... Bên cạnh, được sự đồng hành của ngành nông nghiệp thành phố và địa phương, chị Linh có thêm nhiều kiến thức trong việc chăm sóc cây kỷ tử. Giờ đây, chị có thể chăm sóc tốt và chủ động để cây cho trái đều theo mùa vụ.

Chị Linh chia sẻ: “Do nhà có đất vườn, bản thân muốn tạo thêm thu nhập nên tôi thường tìm hiểu và thử nghiệm trồng nhiều loại giống cây khác nhau nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Với bản tính thích các loại cây “độc, lạ” nên tôi quyết định thử nghiệm trồng kỷ tử. Sau thời gian, trồng thử đến nay diện tích lên được 1.200m2 và tôi tiếp tục nhân rộng thêm”.

Bước đầu thành công còn có sự hỗ trợ đồng hành của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng mô hình. Bà Trần Thị Lâm (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên) cho biết: “Đây là mô hình mới đối với nông dân và ngành nông nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, dựa trên nguồn kinh phí nông thôn mới (NTM) bổ sung cho TP. Long Xuyên năm 2023 và từ nhu cầu của nông dân muốn áp dụng trồng thử nghiệm giống cây kỷ tử, cán bộ được phân công thường xuyên theo sát để kịp thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nông dân xây dựng mô hình. Qua quá trình thực hiện từ tháng 9/2023 đến nay, cây phát triển rất tốt và thu hoạch trái chất lượng. Chúng tôi nhận thấy đây là cây trồng tiềm năng cho nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có thể nhân rộng tại
địa phương”.

Qua quá trình trồng thử nghiệm, chị Linh nhận thấy cây kỷ tử hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng nên mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, để hạn chế sâu bệnh, bị chim ăn trái chín và hướng đến sản phẩm hữu cơ nên chị Linh trồng cây kỷ tử trong nhà màng và sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm hiện nay, cây phát triển tốt, đang trong giai đoạn cho trái, thu hoạch.

Không dừng lại ở đó, với niềm đam mê, sáng tạo, sau khi thu hoạch, trái kỷ tử được chị Linh chế biến thành sản phẩm, như: Kỷ tử sấy khô, rượu ngâm kỷ tử, mật ong lên men kỷ tử, trà kỷ tử… Sản phẩm được chị tiêu thụ chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội. Chị Linh cho biết: “Kỷ tử là cây có thời gian sinh trưởng, thu hoạch ngắn nên quá trình trồng, chị sử dụng những nguyên liệu hữu cơ và trong nhà màng, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Khánh Đoàn Văn Giào thông tin: “Hiện nay, Mỹ Khánh là xã NTM nâng cao. Xã đang thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nên địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nông dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang các mô hình rau màu, cây ăn trái. Đặc biệt, nông dân xã vừa thành công với mô hình trồng cây kỷ tử. Đây là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Theo đó, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để các hội viên có điều kiện tham gia, giúp người dân phát triển kinh tế”. 

Hiện tại, bên cạnh việc nhân rộng mô hình để làm nguồn nguyên liệu, chị Linh đang hướng tới việc đưa sản phẩm kỷ tử được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm, tạo ra nguồn dược liệu sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Trồng kỷ tử trong nhà màng là mô hình hoàn toàn mới, giúp nâng cao thu nhập của người nông dân. Đồng thời, tạo tiền đề để địa phương phát triển thêm các sản phẩm OCOP trong xây dựng NTM nâng cao và hướng đến NTM kiểu mẫu.

Cây kỷ tử là cây dược liệu có giá trị rất cao về mặt dược chất, trong trái kỷ tử chứa một hàm lượng lớn chất béo có lợi, như: Protein, can-xi, photpho, caroten, a-xit linoleic, 18 loại a-xit amin… giúp tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lý, hỗ trợ giảm cân, cải thiện chức năng gan, tăng cường chức năng thị giác, làm đẹp da... Vì thế, các sản phẩm từ trái kỷ tử đang được người tiêu dùng rất quan tâm. Trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm trái kỷ tử chủ yếu nhập khẩu, trong nước chưa trồng nhiều cây kỷ tử.

NGUYỄN HƯNG