Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sắp xếp đơn vị hành chính của 11 tỉnh, thành phố

17/12/2019 - 19:22

Sáng 17/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập TP Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Thẩm tra về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và việc thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC).

Theo ủy ban Pháp luật, sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được hai ĐVHC cấp huyện và 182 ĐVHC cấp xã. Đợt 1 thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC của 2 tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương, giảm được 106 ĐVHC cấp xã. Đợt 2 thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC của 8 tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang, giảm được 104 ĐVHC cấp xã.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách của các tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. 

Tại Phiên họp UBTVQH đã nêu một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình, báo cáo làm rõ thêm về từng nội dung của các Đề án. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Tòa án ủng hộ Tờ trình của Chính phủ và các địa phương. Riêng ngành tòa án trước đây đã có Đề án thí điểm sáp nhập tòa án cấp huyện ở 35 Tòa án có quy mô án dưới 35 vụ/năm và biên chế 8 người/đơn vị. Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong khi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh công việc nhiều, không có người làm thì ở 160 tòa án cấp huyện quy mô án rất ít và chỉ có 8 người/ đơn vị.

“Chúng tôi sẵn sàng sáp nhập để nâng cao năng lực của Tòa án cấp huyện”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Việc bố trí lực lượng ở những địa phương sắp xếp ĐVHC cần xem xét nghiêm túc. “Tôi nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật về thẩm tra Tờ trình của Chính phủ. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã ở miền núi nên thật trọng. Theo tôi, chưa sắp xếp đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) bởi nó gắn với chiến lược biển và an ninh biển”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Đặt câu hỏi về việc sáp nhập các ĐVHC cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: Vậy khi sáp nhập thì trung tâm xã đặt ở đâu, cần phải làm rõ. Tất cả các tài sản liên quan đến các xã, thiết chế văn hóa, trường học… sắp xếp như thế nào. Nếu không cẩn thận sẽ gây lãng phí tài sản rất lớn, rồi vấn đề nông thôn mới ở các xã ra sao? Vấn đề tên gọi phải gắn với lịch sử, văn hóa đã có. Có những đơn vị hành chính dân số đông, diện tích rộng thì làm như thế nào, trong khi đại hội Đảng ở cơ sở đã cận kề…

Giải trình trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong vòng 7 tháng Bộ Nội vụ đã xem xét tờ trình của 38 tỉnh, thành phố về việc sắp xếp ĐVHC. Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ sắp xếp ĐVHC cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2019. Đối với những đơn vị chưa sắp xếp lần này, Bộ Nội vụ và liên ngành đã làm việc với địa phương để lắng nghe chính quyền giải trình thêm. Ở những huyện có sáp nhập một phần huyện kế bên mà vẫn chưa đủ thì cần xem xét.


Bộ trưởng Bộ Nội Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

“Bây giờ nếu sáp nhập 2 đơn vị hành chính nhưng vẫn chưa đủ thì sáp nhập 3 đơn vị hành chính làm một. Riêng tỉnh Hà Giang, nếu sáp nhập 3 xã vào 1 thì diện tích quá lớn, người dân đi quá xa bởi diện tích rộng, chưa kể còn có vấn đề dân tộc, tôn giáo… Việc sắp xếp ĐVHC chỉ mở chứ không cột, nếu sắp xếp được việc này quá tốt. Việc sắp xếp cho đủ tiêu chí là ưu tiên số 1”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc sáp nhập phường, thị trấn, các xã vùng sâu vùng xa cần có lộ trình để từng bước đầu tư về cơ sở hạ tầng. Những chính sách đặc thù đối với các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi vẫn có hiệu lực đến năm 2021 và vẫn giữ nguyên giúp cho các địa phương thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chọn trụ sở ở đơn vị mới sau khi sáp nhập, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau sáp nhập sẽ lấy các trụ sở cũ để sử dụng chứ không xây mới. Trong 2 - 3 xã sáp nhập vào 1 thì chọn xã nào có truyền thống văn hóa, lịch sử, có cơ sở vật chất tốt thì lấy làm trung tâm xã. Việc sắp xếp bộ máy cán bộ công chức cấp xã dôi dư sẽ áp dụng chính sách như: Buộc thôi việc, không tái cứ, giảm biên chế, số còn lại vẫn thừa thì các địa phương tự cân đối ngân sách để trả lương sử dụng cán bộ. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Về cơ bản các đồng chí Ủy viên TVQH tán thành đề án của Chính phủ, các tờ trình được chuẩn bị công phu thận trọng. Ở các địa phương đã lấy ý kiến cử tri trong việc sắp xếp ĐVHC, đáp ứng đầy đủ các Nghị quyết của Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý đối với ĐVHC cấp huyện, xã đề nghị Chính phủ quán triệt, chỉ đạo việc sắp xếp theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Ở những địa phương có tính chất đặc thù như quy mô dân số, diện tích không đảm bảo (hoặc quá rộng) cần xem xét kỹ lưỡng. Ở những đơn vị mới được sáp nhập, do điều kiện thực tế chưa phát triển được cơ sở hạ tầng thì cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi… Những cơ quan đơn vị trên địa bàn như Tòa án, Viện kiểm sát cần khẩn trương sắp xếp để hoàn thiện theo kế hoạch đã đề ra.

“Việc sắp xếp này thực hiện theo đúng kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhưng phải bảo đảm đoàn kết trong nhân dân, ổn định chính trị và đời sống người dân. Cơ sở vật chất của các địa phương sau khi sắp xếp phải tính toán, giữ gìn sử dụng tiết kiếm, chống lãng phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Kết thúc phiên họp, UBTVQH đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 100% Ủy viên UBTVQH đồng ý về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã ở 11 tỉnh, thành phố. Sau phiên họp này, Quốc hội sẽ ký ban hành Nghị quyết và sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, 11 tỉnh, thành phố được sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2020.

Theo NGUYỄN VIẾT TÔN (Báo Tin tức)