Với quyết định này, vaccine Covaxin của Bharat Biotech đã trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 7 trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sau vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinovac Biotech và Sinopharm.
Cụ thể, nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO đã đưa ra kết luận rằng lợi ích mà vaccine Covaxin mang lại vượt trội đáng kể so với những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời khẳng định loại vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về khả năng bảo vệ trước COVID-19.
Vaccine Covaxin của Bharat Biotech là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 7 trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)
Theo khuyến nghị từ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO, vaccine Covaxin nên sử dụng cho người 18 tuổi trở lên với 2 mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi là 4 tuần. Những khuyến nghị này cũng phù hợp với hướng dẫn của công ty Bharat Biotech.
Vaccine Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ vào tháng 1/2021 thậm chí trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối. Dữ liệu thử nghiệm cho thấy, loại vaccine này có hiệu quả ngăn ngừa 78% tỷ lệ chuyển biến nặng do COVID-19.
Quyết định của WHO được kỳ vọng sẽ giúp hàng triệu người Ấn Độ đã được tiêm vaccine Covaxin có thể di chuyển ra khỏi đất nước.
Việc vaccine Covaxin được WHO phê duyệt sẽ mở đường cho Ấn Độ đóng góp vào cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX - một sáng kiến nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Công ty Bharat Biotech cho biết đã thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine Covaxin để đạt mức công suất hàng năm là 1 tỷ liều vào cuối năm nay. Ngoài ra, các hoạt động chuyển giao công nghệ cũng đang được tiến hành với các đối tác ở Ấn Độ và các quốc gia khác.
Theo HOÀI VĂN (Báo Nhân Dân)