Vaccine phòng COVID-19 vẫn là “Vũ khí chiến lược”

07/07/2022 - 07:12

 - Theo Bộ Y tế, hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2). Khi chưa khống chế được hoàn toàn dịch COVID-19 và trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, việc tiêm vacccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 được xem là “Vũ khí chiến lược” giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

 Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên)

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên. Đặc biệt, ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... Dự báo thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 ở người lớn chưa đạt mong muốn, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho một số đối tượng theo hướng dẫn còn chậm, do người dân cho rằng, chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ. Ngoài ra, do tâm lý người dân đã mắc COVID-19 nên nghĩ đã đủ miễn dịch và cho rằng dịch COVID-19 không còn gây nguy hiểm. Một số người sợ phản ứng, tác dụng phụ sau tiêm...

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “An Giang cơ bản tiêm vaccine 2 mũi vào tháng 12/2021, đến thời điểm hiện nay đã qua 6 tháng, nên kháng thể chống lại SARS-CoV-2 đã giảm nhiều. Bên cạnh đó, biến chủng mới Omicron BA.5 có khả năng lây nhanh hơn và đã xâm nhập vào nước ta. Vì vậy, người dân không được chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ 2 mũi hoặc đã mắc COVID-19 mà không đi tiêm ngừa sẽ có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 trong thời gian tới. Từ đó, làm tăng số ca mắc và tăng nguy cơ tử vong hoặc bị di chứng hậu COVID ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Do đó, tăng cường tiêm vaccine mũi 3 và 4 lúc này là kịp lúc và đảm bảo an toàn, tránh trường hợp dịch bùng phát mới đi tiêm thì đã trễ và vaccine không còn được đầy đủ như hiện nay”.

Theo khuyến cáo, mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn, nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Anh Hùng (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Vốn có bệnh nền, cũng từng mắc COVID-19, nên sau khi nghe dự báo một đợt dịch tiếp theo sẽ xảy ra, tôi nhanh chóng đăng ký đi tiêm mũi 4 ngay khi cơ quan phát động”. Anh Hoàng (huyện Chợ Mới) cho biết: “Tôi đã tiêm mũi 3 cách đây 6 tháng, nên giờ cần đi tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt để tăng cường hiệu quả bảo vệ sức khỏe cũng như miễn dịch cộng đồng”.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vaccine đối với tất cả người dân. Bởi, mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian. Các trường hợp tử vong do COVID-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền... nên cần thiết phải tiêm mũi 3 cho những người đã hoàn thành tiêm 2 mũi cơ bản.

Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra kháng thể sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể ở khoảng tuần thứ 15 sau tiêm, nhất là kháng thể biến thể Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19, như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp… Vì vậy, người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cần tiếp tục coi vaccine là “Vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, với những ai chưa tiêm đủ, hoặc trì hoãn tiêm vaccine cần đi tiêm ngay. Việc tiêm mũi 3 và 4 vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêm không bị mắc bệnh, nhất là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới.

TS.BS Trần Quang Hiền kêu gọi: “Thực tế thời gian qua, vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả trong công tác phòng bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người dân cần tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19. Những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch. Đồng thời, hãy đưa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, đúng lịch”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo triển khai tiêm chủng vaccine kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí; tăng cường thông tin, truyền thông nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tập trung lãnh, chỉ đạo đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong quý II/2022, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 4 cho các đối tượng...


HẠNH CHÂU