Vai trò “huyết mạch” của ngành ngân hàng

13/01/2022 - 04:49

 - “Năm 2021, ngành ngân hàng An Giang đã linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp (DN), người dân, người lao động vượt qua khó khăn bởi đại dịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.

Hỗ trợ và sẻ chia

Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế tại địa phương, ngay từ đầu năm 2021, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Ông Nguyễn Tuấn Dũng phân tích: “Với sự nỗ lực, tinh thần sẻ chia và trách nhiệm, kết quả tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2021 đạt 11% (tương đương 89.544 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra). Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 74,79% (66.970 tỷ đồng); dư nợ trung, dài hạn chiếm 25,2% (22.574 tỷ đồng). Ngành ngân hàng còn tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp xử lý nợ xấu, quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng tốt. Nợ xấu trên địa bàn chiếm 0,98%/tổng dư nợ (869 tỷ đồng)…”.

Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng tỉnh chủ động thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Qua đó, đã hỗ trợ 162.737 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới. Có 11.127 khách hàng (11.003 cá nhân, hộ và 124 DN) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với số dư nợ 3.174 tỷ đồng. Hơn 82.400 khách hàng được giảm lãi vay, số tiền lãi được giảm hơn 130 tỷ đồng. Đặc biệt, 16 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn hỗ trợ lãi suất cho 74.619 khách hàng với 97,5 tỷ đồng; 69.201 khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, số tiền cho vay 24.358 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng còn tiết giảm chi phí hoạt động, cắt giảm lương, thưởng để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, như: Giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,6%/năm, giảm phí dịch vụ và chi phí tiền vay. Ngoài ra, năm 2021, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang tích cực vận động cán bộ, nhân viên đơn vị và kêu gọi tổ chức tín dụng trên địa bàn đóng góp Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh gần 70,3 tỷ đồng.

“Để đạt kết quả đó, chúng tôi thiết lập đường dây nóng, duy trì hoạt động Tổ hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; tiếp nhận, xử lý kịp thời kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của người dân, DN. Lãnh đạo ngân hàng thăm và làm việc với một số DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tham gia tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và DN trên địa bàn tỉnh An Giang”; phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nắm bắt, đánh giá cụ thể hoạt động của DN, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, phối hợp Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội thảo “Về tiếp cận vốn tín dụng của HTX với ngân hàng thương mại”, tạo cầu nối giúp HTX tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng” - ông Dũng thông tin thêm.

Giải quyết nhu cầu phục hồi tăng trưởng

Năm 2022, để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ DN và phục hồi tăng trưởng, ngành ngân hàng tiếp tục bám sát sự chỉ đạo và điều hành của NHNN Việt Nam, triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng; duy trì sự ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là giải pháp quan trọng và nền tảng. Trong bối cảnh đại dịch tác động, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Song song đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN, như: Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho DN; chủ động phối hợp, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để xác định đúng giải pháp hỗ trợ chất lượng, hiệu quả. Chủ động tiếp cận DN, HTX, hộ kinh doanh có nhu cầu vốn để sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thủy sản, thu mua lúa gạo vụ đông xuân 2022 sắp tới.

Cùng với đó, ngành ngân hàng tập trung nguồn vốn vay cho DN, khách hàng cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn vốn, linh hoạt áp dụng nhiều hình thức bảo đảm tiền vay (bằng tài sản thế chấp, tài sản hình thành từ vốn vay) hoặc cho vay tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền của DN, HTX. Đồng thời, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiệp hội ngành nghề thực hiện kết nối ngân hàng - DN, hạn chế thấp nhất tình trạng DN thiếu vốn khi mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách hành chính để hỗ trợ DN bằng hành động cụ thể, như chính sách tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng. DN phục hồi và tăng trưởng có dòng tiền trả nợ ngân hàng, sẽ trở lại chu kỳ tuần hoàn và chu chuyển vốn bình thường, góp phần phục hồi và tăng trưởng vững chắc cho DN lẫn ngân hàng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Dũng khẳng định.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU