Vẫn còn vướng cơ chế cho doanh nghiệp vay vốn để phục hồi

04/06/2022 - 08:25

Không thể phủ nhận việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở nhiều cấp, ngành, một số địa phương nhưng vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến 1 bộ phận doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vốn.


Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Phong Phú, tỉnh Phú Yên sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Sau rất nhiều nỗ lực của toàn xã hội và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 mà Chính phủ ban hành, tình hình sản xuất kinh doanh đang dần thể hiện rõ những kết quả tích cực.

Các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ được các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đánh giá đúng thời điểm và trúng mục đích.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở nhiều cấp, ngành và một số địa phương vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vốn để phục hồi.

Phóng viên TTXVN tổng hợp nhiều ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác SKD Việt Nam: Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp tại Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 20/5 mới đây là động thái rất đáng mừng. Với chính sách này, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất giảm 2-3%/năm với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới. Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, cơ khí cũng nằm trong diện được ưu đãi.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Từ đầu năm nay, Việt Nam thực hiện chính sách "thông thoáng" hơn với COVID-19 giúp doanh nghiệp có cơ hội khôi phục. Nhiều bạn hàng, đối tác cũng đã quay trở lại ký hợp đồng với SKD Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng mới, cùng với đó là nghiên cứu để cho ra những sản phẩm mới.

Là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cho đối tác Đài Loan (Trung Quốc), hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để cung ứng hàng, doanh nghiệp cần cải tổ quản trị, sản xuất, đẩy mạnh công nghệ và nghiên cứu. Những việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn để thực hiện.

Với doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ 2-3% lãi suất vay sẽ không phải là con số quá lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây sẽ là động lực, nguồn hỗ trợ để doanh nghiệp có thể chi trả các khoản như tiền lương người lao động, bù đắp các chi phí khác...

Chính sách từ Chính phủ là rất tốt, song việc thực hiện ở dưới cũng cần thông thoáng hơn, tránh rơi vào tình trạng như nhiều chính sách hỗ trợ thuế đất, lãi suất trước đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không có nhiều, trong khi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí: Năm 2020-2021 là thời điểm rất nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành nghề cơ khí, chế tạo nói riêng. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, dịch bệnh cũng khiến họ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa và sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã vào cuộc tích cực bằng nhiều chính sách, giải pháp về thuế, phí, lãi suất... hỗ trợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu, đầu tư về công nghệ để tiếp tục sản xuất, phát triển.

Thời gian qua, hiệp hội cũng đã theo sát doanh nghiệp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để có những đề xuất, báo cáo kịp thời với cơ quan Nhà nước giải quyết, hỗ trợ. Nhất là trong dịch bệnh, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất của ngành cơ khí bị đứt gãy, hiệp hội đã làm tốt chức năng tập hợp, liên kết doanh nghiệp, sử dụng sản phẩm trong cùng ngành, chia sẻ thông tin, đơn hàng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện...

 Giao dịch tại Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá đây là chính sách rất đúng thời điểm là nguồn động viên đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để chính sách này đến được với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đòi hỏi sự thông thoáng, đơn giản trong thủ tục thực hiện. Như thời gian qua, nhiều chính sách đến cuộc sống vẫn còn rào cản khá lớn như chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương kèm theo nhiều điều kiện.

Sản xuất công nghiệp chế tạo nói chung và ở ngành cơ khí hiện nay, các doanh nghiệp cần nguồn lực lớn để đầu tư, từ con người đến vốn. Đây là ngành nghề có lợi nhuận không quá cao, thời gian đầu tư, hoàn vốn dài, nên rất cần sự ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thủ tục vay... làm sao thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel: Các doanh nghiệp du lịch rất mong đợi từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế-xã hội khi ngành du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Hy vọng là các doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng nhất. Chứ thực sự có những chính sách mà doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn. Chính phủ cũng cần quyết đoán, mạnh mẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thực tế khi chủ trương được triển khai rất quyết liệt từ phía trên nhưng xuống dưới lại bị tắc.

Về nguồn vốn hỗ trợ cho ngành du lịch, trước đó Tổng cục Du lịch đã đề nghị với ngân hàng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang đóng quỹ 500 triệu đồng được rút 80% về để bổ sung vào hoạt động kinh doanh, điều này hết sức kịp thời. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ mấy trăm triệu đồng thì không thể đủ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, với gói 350.000 tỷ đồng đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành rất mong các thủ tục tiếp cận được thuận tiện nhất.

Trong suốt hai năm vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch Việt Nam gần như bị "đóng băng." Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ lại được thị trường và chờ đến ngày mở cửa phục hồi du lịch.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Doanh nghiệp vận tải là một trong những loại hình doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên trong khi doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn hoạt động được trong hai năm diễn ra đại dịch, các doanh nghiệp vận tải hành khách chỉ duy trì cầm chừng và gần như ngừng trệ trong các đợt giãn cách xã hội. Vì thế, mặc dù tình hình dịch đã được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách đã cơ bản được phục hồi nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn rất khó khăn vì sản lượng hành khách vẫn chưa tăng trưởng theo yêu cầu. Cùng với đó, giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp này càng thêm kiệt quệ.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục có các hỗ trợ về thuế, phí đến hết năm nay. Cùng với đó là chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ tín dụng thiết thực hơn nữa với doanh nghiệp vận tải hành khách, qua đó giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn./.

Theo TTXVN/Vietnam+

 

Liên kết hữu ích