Khẩu trang rất dễ cất giữ trong người, động tác sử dụng rất đơn giản, nhưng tác dụng của chúng cực kỳ lớn lao, điều này đã được ngành y tế khuyến cáo liên tục. Đeo khẩu trang trước hết là vì chính bản thân mình, sau đó mới nói đến những chuyện “quốc gia đại sự”. Dĩ nhiên, cảm giác oi bức, bất tiện khi đeo khẩu trang (nhất là khi trời nóng) ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa quen với việc giao tiếp với nhau dưới các lớp khẩu trang. Không nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt, tiếng trò chuyện bèn bẹt quẩn quanh chiếc khẩu trang… càng làm người ta có phản xạ tháo khẩu trang ra. Nhưng, “dịch bệnh đâu phải trò đùa”. Một động tác chủ quan, bất cẩn sẽ mang đến nguy cơ nhiễm bệnh, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ, vất vả, tốn kém cho từng cá nhân và cả xã hội.
Cán bộ lãnh đạo nêu gương đeo khẩu trang để vận động toàn xã hội thực hiện theo
Lợi ích của bản thân gắn chặt với lợi ích của quê hương, đất nước, biểu hiện rõ ràng nhất thông qua chiếc khẩu trang. Thời điểm dịch bệnh hoành hành thế này, từng người làm tốt một điều nhỏ xíu - đeo khẩu trang đúng cách - sẽ tạo ra hiệu quả kỳ diệu vô cùng: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Bảo vệ tốt bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh tức là đóng góp thêm cho cộng đồng một “lá chắn” an toàn. Báo chí truyền đi thông điệp về khẩu trang từ hàng vạn bức ảnh hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội... góp phần khắc sâu hành động đeo khẩu trang vào tiềm thức mỗi người.
“Đeo khẩu trang bao giờ cũng khó chịu, nhưng phải đeo. Tôi tham gia tiêm thử nghiệm Vaccine, tham gia xét nghiệm kháng thể rất tốt, hiện nay như tôi không phải đeo khẩu trang. Nhưng tôi vẫn đeo để cho mọi người thấy cần phải đeo” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ như thế tại một cuộc họp vào đầu tháng 5 vừa qua.
Dịch bệnh làm thay đổi mọi ý thức và hành động của con người. Chiếc khẩu trang giờ mang tầm văn hóa của thời đại. Chẳng ai ngờ rằng, một ngày nào đó, việc không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ phải chịu mức phạt vi phạm hành chính khá nặng.
Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, từ ngày 28-9-2020, mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng (khi có yêu cầu để phòng dịch) bị phạt từ 1-3 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với quy định trước đó. Thế nhưng, nếu không có biện pháp xử lý mạnh, một bộ phận người dân sẽ lơ là, chủ quan, “lúc nhớ thì đeo”. Sau khi trực tiếp chứng kiến người thân quen, người nhà hoặc thậm chí chính bản thân bị xử phạt, khi lực lượng chức năng cả nước thu được hàng tỷ đồng từ việc xử phạt này, mọi người sẽ dần chấp hành nghiêm quy định, không còn qua loa, đại khái như trước.
Ý thức đeo khẩu trang đã dần được nâng cao
Tôi nhớ, gần 15 năm trước, khi Chính phủ quy định người ngồi trên xe ôtô, xe gắn máy bắt buộc phải đội nón bảo hiểm. Quy định này khiến nhiều người cảm thấy “bứt rứt”, bất tiện khi không còn được cảm nhận sự mát mẻ, thoải mái của những cơn gió lùa qua tóc lúc chạy xe, phải ráng mà nhớ đội nón bảo hiểm khi bắt đầu ngồi trên phương tiện, phải chịu xót tiền vì bị xử phạt việc “lỡ quên” đội nón bảo hiểm.
Người ta né quy định bằng đủ mọi cách, kể cả chọn mua những chiếc nón “na ná” nón bảo hiểm, đối phó với lực lượng chức năng. Nhưng họ quên rằng, Chính phủ “ép” người dân đội nón bảo hiểm chỉ vì mục đích duy nhất: giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân khi tham gia giao thông. Họ chỉ nghĩ đến việc đối phó với mức xử lý của nhà nước, quên rằng đó cũng là đối phó với chính tính mạng của mình.
Thời gian đã chứng minh, chiếc nón bảo hiểm đúng chuẩn đã trở thành “vị cứu tinh” cho người dân trong những tình huống va chạm trên đường, giúp họ thoát chết, thoát chấn thương ở đầu. Kể từ đó, người ta đội nón bảo hiểm vì chính mình, chứ không vì bị “ép” nữa. Hôm nào quên đội nón, tự nhiên thấy cảm giác trống trải, bất an, mọi người nhìn mình như “sinh vật lạ”. Văn hóa nón bảo hiểm đã thật sự được thiết lập như thế đó.
Và tôi tin rằng, văn hóa khẩu trang nói riêng, thông điệp “5K” nói chung sẽ được thiết lập tương tự, trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Khi dịch bệnh được khống chế, mọi thứ trở về với nhịp sống bình yên trước đây, văn hóa khẩu trang vẫn nên được duy trì, phải tạo ra cảm giác bứt rứt vì “thiếu thiếu gì đó” trên gương mặt. Không phòng dịch này nữa thì cũng phòng dịch bệnh khác, bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm môi trường, tác hại của ánh nắng mặt trời… Dần dần, chúng ta cảm thấy tự hào khi trở thành công dân gương mẫu với chiếc khẩu trang sạch đẹp trên mặt, với ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” được trang bị trong đầu, với tâm thế “mình vì mọi người” trong tim.
GIA KHÁNH