Ngụm đắng xuôi ngàn là tập truyện ngắn mới của tác giả Hoài Sa về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc, do NXB Kim Đồng phát hành.
10 truyện ngắn trong tác phẩm thể hiện sự khác biệt không lẫn vào nhau. Tác giả trung thành với việc đưa tâm tính con người miền núi vào những chủ đề dường như xuất hiện trong bất kỳ xã hội nào: đi tìm bản dạng, buôn thuốc phiện, tình yêu trong phút yếu lòng hay những mâu thuẫn đa thế hệ. Mỗi truyện thường lấy gia đình làm hạt nhân và gói các mối quan hệ quanh tư duy, lối sống của người Dao hay người Hmong.
Yếu tố phong tục, văn hóa của các dân tộc miền núi được lồng ghép khá khéo léo trong mạch truyện. Đó là lễ hội Lồng tồng trong Chim khảm khắc gọi nhau, tục đi qua nhà tranh trong lễ cưới người Dao của truyện Trong tựa gương soi, tục nhận con nuôi người Hmong ở Con thắt sợi chỉ đỏ.
Nhiều trường hợp, các nét văn hóa và tâm linh đặc thù dân tộc làm nền hoặc cái cớ để thể hiện tâm lý nhân vật. Cũng có khi đó là toàn bộ nguyên do để câu chuyện phát triển. Với Con thắt sợi chỉ đỏ, việc cậu bé phải nhận cha nuôi sẽ quyết định tương lai mạnh khỏe của cậu theo truyền thống, nhưng cũng quyết định tương lai của người cha cô đơn khi có thêm một người lo cho chuyện tình cảm của mình.
Dù nhiều truyện ngắn có kết thúc viên mãn song dường như Hoài Sa ưa thích những cái kết lưng chừng, như bị chặn đứng để người đọc tự đưa ra viễn cảnh cho nhân vật. Điển hình là Bản thiêng, người trưởng thôn sau khi bị lợi dụng phá rừng làm giàu đã ốm liệt trên giường như bị ma rừng nhập, theo cách hiểu của nhiều người Dao mà không ai biết kết cục cánh rừng ấy ra sao.
Có thể nói, cách đưa truyện vào những góc cuối có phần “đắng” khiến độc giả nhiều phen bâng khuâng.
Văn phong tập truyện khá hiện đại, phần nào do tác giả là người miền xuôi. Tuy nhiên, chất giọng tỉnh táo có độ tiết chế. Ngôn ngữ thể hiện độ tinh tế khi đặt mình vào vị thế người dân tộc vùng cao nhưng không sa vào phô trương.
Trước tập truyện ngắn này, Hoài Sa từng xuất bản tập bút ký Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì.
Theo Vietnamnet