Vẫn tiếp tục tranh chấp quyền quản lý chùa Hang

07/11/2018 - 06:55

 - Những người trong cuộc tiếp tục khiếu nại, tranh chấp quyền quản lý chùa Hang (ấp Tô Lợi, xã Cô Tô, Tri Tôn), do chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện nay, địa phương đang đề ra hướng xử lý dứt điểm vụ việc này.

Trước đây, vợ, chồng ông Trần Tâm Trí và bà Lê Cẩm Vân gửi đơn đến Báo An Giang cho rằng, trong chùa có mồ mả ông, bà của bà Vân, cần được địa phương công nhận quyền quản lý, trông coi chùa cho vợ, chồng bà. Đồng thời, cung cấp các chứng cứ, hình ảnh có liên quan. Báo An Giang đã phản ánh bài viết “Tranh chấp quyền quản lý chùa Hang”, ra ngày 16-4-2018.

Ngay sau đó, bà Mai Thị Út gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang. Bà khẳng định bản thân đang thừa kế, quản lý dùm ngôi chùa của người bác ruột tên Mai Văn Mến. Bà Út trình bày: “Chùa Hang hiện nay có nguồn gốc là chỗ ở, nơi hoạt động cách mạng của người bác ruột, cha, mẹ của tôi (Mai Văn Thương, Trần Thị Hai). Họ đã được Nhà nước tặng huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước đó, chùa là nơi hoạt động cách mạng, cơ sở thờ tự, tu hành của ông, bà cố; ông, bà nội và người trong tộc họ, gồm: ông Mai Văn Kế, Mai Văn Sồi, bà Mai Thị Y...

Trong quá trình hoạt động, chùa nhận rất nhiều người đến tu hành, sống đến già. Khi về quê, họ thường quay về thăm chùa và ở lại. Bên cạnh đó, ông, bà tôi còn nhận người từ nhiều nơi đến làm công quả, viếng chùa, làm con nuôi tinh thần. Từ việc đó, nhiều người đã đứng ra tranh chấp, đòi chia quyền thừa kế về đất đai, trong đó có bà Lê Cẩm Vân”.

Bà Mai Thị Út chỉ ngôi chùa này là cơ sở thờ tự lâu đời của tộc họ Mai

Bà Mai Thị Út chỉ ngôi chùa này là cơ sở thờ tự lâu đời của tộc họ Mai

Theo bà Út, trước năm 2000, ông Ngô Văn Ngộ (dượng bà) cùng 1 người con nuôi đã chi nhiều tiền xây dựng, sửa chữa, trùng tu lại ngôi chùa. Ông Mai Văn Mến (sinh năm 1935, ngụ huyện Hòn Đất, Kiên Giang, bác của bà Út) là người cai quản chùa Hang rất lâu, gần đây bị bà Lê Cẩm Vân đòi quyền thừa kế và các vấn đề liên quan.

Sau khi thắng kiện, do bận công việc, ông Mến giao cho bà Út trông coi việc thờ tự, quản lý ngôi chùa. “Tuy nhiên, vào 17 giờ ngày 7-8, UBMTTQ xã Cô Tô đề nghị tôi đóng cửa chùa để chờ xem xét, giải quyết vụ tranh chấp. Tôi không đồng ý, nhưng bị buộc ra ngoài để họ khóa cổng chùa. 10 ngày sau, họ tiếp tục yêu cầu tôi mở cửa, giao chìa khóa ngôi chùa.

Đến nay, địa phương vẫn không cho tôi vào thờ cúng, không xem xét giải quyết vụ việc. Tôi khẳng định: khu đất thờ tự và chùa Hang này là của gia tộc họ Mai, có giấy tờ sang nhượng đàng hoàng. Chúng tôi đề nghị nhà nước trả lại chùa để thờ tự và quyền quản lý trên 10.000m2 đất chùa”.

Trưởng Công an xã Cô Tô Huỳnh Văn Ngoan cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, đến khi giải quyết xong vụ việc tranh chấp, địa phương sẽ bàn giao lại cho người được chấp thuận quản lý ngôi chùa này. Chúng tôi đến thông báo tinh thần trên, mời bà Mai Thị Út tạm thời giao chìa khóa cho UBMTTQVN xã Cô Tô quản lý. Do đương sự không ký tên vào biên bản làm việc, không rời khỏi chùa, không chịu giao chìa khóa, buộc chúng tôi phải mời bà ra và khóa cửa ngôi chùa”.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cô Tô Đặng Quốc Tuấn cho biết: “Nơi đây là cơ sở bí mật hoạt động cách mạng có từ rất lâu. Gần đây, nhiều người trong và ngoài tỉnh cho rằng họ được thừa kế di sản của ông, bà để lại. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi tạm thời khóa cửa chùa này để xem xét, giải quyết.

Để làm rõ nguồn gốc khu đất này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND địa phương đến làm việc với đại tá Lê Thành Cư (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn) và ông Nguyễn Văn Huệ (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cô Tô).

Theo đó, họ xác nhận nơi đây có 1 hang lớn, là cơ sở bí mật hoạt động cách mạng, là “trụ sở” của 10 Đội Thanh niên tiền phong của huyện vào năm 1944. Cán bộ, chiến sĩ phá rừng tre làm “chỗ ở”, với sự giúp đỡ của ông Hai Sồi (là cơ sở của ta, người có công với cách mạng). Sau đó, ông Bảy Xác Tướng bám chắc cơ sở này cùng với một số đồng chí khác. Gia đình họ Mai ở đây khá lâu, cất nơi thờ tự gia đình với sự đóng góp của nhiều phật tử, chứ không của riêng cá nhân nào.

Sau đó, chúng tôi đã thông tin, làm việc đối với hộ bà Lê Cẩm Vân, người liên quan khác. Địa phương đề xuất và được UBND huyện chấp thuận quan điểm:đề nghị các hộ khiếu nại phải chứng minh được nguồn gốc, giấy tờ liên quan hợp pháp đến số đất, trong đó có ngôi chùa. Nếu xác thực được, địa phương sẽ giao lại cho người thực sự giữ chủ quyền. Nếu không, huyện sẽ lấy ý kiến người dân, đề nghị tỉnh xem xét công nhận địa điểm này là di tích lịch sử cách mạng”.

Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG