Vấn vương Hà Nội!

02/08/2024 - 08:34

 - Là người miền Nam thăm Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào khi đứng trên đất tổ cha ông. Đến với thủ đô 36 phố phường, chúng tôi nhớ mãi chuyến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những công trình lịch sử mang đậm dấu ấn ngàn năm của đất kinh kỳ.

Hà Nội những ngày cuối tháng 7, phố phường không vắng những cơn mưa! Mưa rả rích. Mưa bất chợt. Mưa thấm ướt cả chuyến đi của chúng tôi ở đất thủ đô. Ấy vậy, đó cũng là kỷ niệm không thể nào quên với người lần đầu đến với thủ đô.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi bất cứ người Việt Nam nào cũng muốn đến một lần

Như bao người Việt Nam yêu nước khác, chúng tôi đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra thăm Hà Nội. Nhiều người khẳng định rằng, nếu không đến viếng Lăng Bác thì như chưa đi Hà Nội bao giờ. Điều ấy hiển nhiên đúng. Với chúng tôi, ước mong đầu tiên là được một lần đến viếng Bác Hồ, người đã hy sinh cả cuộc đời vì hạnh phúc, tự do, ấm no cho dân tộc Việt Nam.

Lăng Bác những ngày mưa vẫn rất đông người đến viếng. Mọi người đều xúc động khi được đặt chân vào Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi khai sinh nước Việt Nam độc lập, cũng là nơi vị cha già dân tộc yên nghỉ trong niềm kính yêu vô hạn của Nhân dân. Vừa bước vào khuôn viên lăng, “đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Câu thơ của tác giả Viễn Phương hiện lên trong tầm mắt chúng tôi, nóng giãy những cảm xúc rất thật, rất chân thành. 

Thời điểm chúng tôi đến, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thực hiện việc ngừng tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm để làm công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, được nhìn thấy Lăng Bác cũng đã là niềm vui khó tả của người từ miền Nam ra thăm Hà Nội như chúng tôi.

Trong cơn mưa lất phất, chúng tôi đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người đã từng sống và làm việc 15 năm, trong giai đoạn 1954 - 1969. Đến thăm “cõi Bác xưa”, trong lòng mỗi người lại trào dâng cảm xúc. Này đây là lối đi mát rượi bóng cổ thụ từ khắp mọi miền đất nước, này đây là ao cá Bác nuôi, là vườn bưởi trĩu quả, đong đưa trong miền ký ức liên quan đến Người.

Đến nhà sàn của Bác, chúng tôi càng hiểu rõ đức tính giản dị của vị cha già dân tộc. Vẫn còn đó chiếc bàn gỗ, chiếc đài quen thuộc, chiếc đồng hồ đặt cạnh giường và góc làm việc đơn sơ. Nhiều thành viên trong đoàn nói với nhau rằng, những người trẻ nên cố gắng đến thăm Lăng Bác và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nhất một lần trong đời. Bởi nơi đây là “địa chỉ đỏ”, giúp mỗi người soi rọi lại chính mình, để biết mình phải sống, phải làm gì cho xứng đáng với công ơn của Bác, của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Rời lăng Bác trong niềm quyến luyến khôn nguôi, chúng tôi đến thăm những di tích lịch sử văn hóa của đất kinh kỳ xưa. Điểm đến tiếp theo là chùa Một Cột, di tích lịch sử văn hóa có từ thời nhà Lý. Giữa phố phường Hà Nội, chùa Một Cột là nơi lưu giữ vẻ đẹp ngàn năm của đất Thăng Long. Đến đây, lòng người bỗng trở nên lắng dịu để tìm về chốn an yên. Với kiến trúc độc đáo như hình tượng đóa sen nở trên hồ nước, chùa Một Cột vẫn vững vàng cùng đất nước đi qua bao thăng trầm lịch sử.

Chùa Một Cột, dấu ấn văn hóa ngàn năm của đất Thăng Long

Đến chùa Một Cột, mỗi người sẽ thấy tự hào khi được chạm vào công trình đã trải qua ngàn năm mưa nắng, là tượng trưng cho tư tưởng hướng Phật của cha ông, là tiêu biểu của nền văn hóa Thăng Long đã hình thành, tồn tại và được con cháu đời sau tiếp nối cho đến bây giờ.

Sau chùa Một Cột, chúng tôi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được xem là trường quốc học đầu tiên của Việt Nam. Cũng được hình thành từ thời nhà Lý, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi đào tạo rất nhiều hiền tài cho đất nước. Nếu nói hiền tài là nguyên khí của quốc gia thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là nơi sản sinh, nối dài nguồn nguyên khí đó cho dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, biểu tượng cho nguyên khí quốc gia và tinh thần trọng đạo học của người Việt Nam

Đến với Văn Miếu, bạn sẽ thấy người xưa trọng đạo học như thế nào. Được xây dựng vào năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng tồn tại hơn 700 năm. Nơi đây còn là nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”, Chính phủ Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia.

Rất nhiều du khách khi đến đây, đều cầu mong con cháu mình sẽ được thừa hưởng truyền thống hiếu học, trí tuệ uyên bác của cha ông. Đứng giữa công trình đại diện cho nền tri thức dân tộc, bản thân mỗi người sẽ tự dặn lòng mình phải cố gắng trau dồi, để xứng đáng với tinh thần trọng đạo học của cha ông.

Không chỉ là những công trình lịch sử, Hà Nội còn có những con phố bình yên. Có lẽ, đây là nét đặc trưng của đất thủ đô bên cạnh sự hiện đại, năng động của một đầu tàu kinh tế cả nước. Nhiều người nói rằng, đến TP. Hồ Chí Minh, người ta sẽ thấy mình nhỏ nhoi trước sự hối hả của dòng người và những tòa cao ốc chọc trời. Nhưng với Hà Nội, bạn sẽ thấy mọi thứ bình yên, từ tốn như những dòng thơ, những bài hát về vùng đất này.

Dù chỉ là chuyến đi ngắn ngủi, nhưng kỷ niệm về Hà Nội vẫn sống mãi trong trí nhớ của những người miền Nam như chúng tôi. Nếu có dịp, bạn hãy về với thủ đô, nơi kết tinh của nền văn hiến ngàn năm, nơi giúp mỗi người cảm nhận rõ sự tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên một đất nước anh hùng, với truyền thống quật cường được trao truyền qua nhiều thế hệ.

THANH TIẾN