Vấn vương Tết

16/02/2024 - 07:22

 - Khi bắt đầu quay cuồng với công việc thường nhật, nghĩa là hết Tết. Ngóng đợi cả năm ròng, nhưng Tết chỉ đến vài hôm, nhanh chóng rời đi, để lại những dư âm bồi hồi khó tả.

Nhiều người nói vui rằng, không khí Tết thực sự nằm ở mấy hôm giáp Tết, khi hoa kiểng, đồ trang trí được bán xôm tụ ở các nẻo đường, khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa. Chiều 30 Tết, chợ tan, hàng quán dẹp, đường phố chợt trống trải, hụt hẫng gì đâu! Lúc này, Tết đã di chuyển từ ngoài đường vào nhà mỗi người, bằng các chậu hoa rực rỡ, bằng cặp bưởi, dưa hấu đồng đều, bằng câu đối đỏ, miếng trầu xanh… Ai cũng cố gắng chọn cách đón Tết phù hợp nhất với cảnh nhà, từ đồng tiền chắt chiu sau cả năm làm lụng.

Cúi mặt bận rộn dọn dẹp, chưng mâm ngũ quả, kho nồi thịt, cúng kiếng ông bà… ngẩng mặt lên, đã thấy mùng 1 bịn rịn rời đi. Mùng 2, mùng 3, cả nhà về bên nội, về bên ngoại, ghé những nơi cần ghé, du Xuân… Ba ngày Tết, ngoảnh đi ngoảnh lại đã xong! Người ta vội vàng an ủi nhau: Còn mùng là còn Tết, cứ thong thả thôi!

Nhưng Tết cũng thong thả trôi qua theo quy luật của riêng mình, giống như lúc đến. Sau mấy ngày đầu tháng Giêng, nụ mai nở bung, rụng cánh lả tả vàng đượm gốc cây, trơ lại nhụy trên cành. Những chiếc lá lớn nhanh trong chớp mắt, sắc xanh dần thay thế cho sắc vàng của hoa. Gia đình dọn dẹp, đưa mọi thứ trở về như cũ, chuẩn bị cho guồng quay mới của năm.

Cây mai được lặt sạch sẽ, từ hoa đã tàn đến cả nụ chưa kịp nở. Ấy vậy mà, mùng 5, mùng 6 Tết, ngoảnh lại đã thấy một vài bông mai nở điểm xuyết trên cành cây trơ trụi. Mai còn luyến tiếc Tết, nên dùng dằng nở thêm ít hôm nữa, cũng giống lòng người, chặc lưỡi bâng quơ: Ước gì hôm nay mới chỉ 28 Tết!

Mấy chậu hoa vạn thọ, cúc, hồng… chưng trong nhà, ngoài cửa, sau 3 mùng bắt đầu héo rũ, phai sắc tàn hương vì nắng gió, vì thiếu nước, thiếu không khí. Chậu nào tàn tạ quá thì vào thùng rác. Chậu nào còn tươi, nở “ngon lành” thì được chăm sóc, “o bế” đợi cắt cành, cúng rằm. Trái cây cũng vậy. Dưa hấu, bưởi, quýt… bóng vỏ, tròn căng thì cứ yên vị trên bàn, chưng thêm ngày nào hay ngày đó. Mớ nào héo, xuống màu, sẽ lần lượt vào bụng người, hoặc tệ quá thì ra thùng rác chung với đám hoa héo. Khi hoa trong nhà thưa dần, hoa ngoài thùng rác nhiều dần, đồng nghĩa với việc Tết thật sự rời đi, hết Tết thật rồi!

Theo quan niệm người xưa, năm mới trùng với nông nhàn. Lúa vụ cũ đã cắt, lúc vụ mới chưa trổ. Nông dân rảnh rỗi lắm, Tết kéo dài theo đúng nghĩa đen “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Rất nhiều lễ hội đầu Xuân được tổ chức, tập trung vào tháng Giêng, lôi kéo người dân tham gia.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khiến nghề nông không còn giữ vai trò độc tôn. Nông nhàn vẫn ở đó, nhưng nông dân đâu thể phó mặc mảnh ruộng, miếng vườn cho trời đất, cũng lật đật ra thăm chồi non tươi tốt. Cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên phải trở lại công việc của mình. Ít ai đắm chìm trong dư âm của Tết như hồi xưa, đến nỗi chểnh mảng lao động, lơ là học hành. Ai cũng muốn kéo dài thời gian nghỉ, nhưng áp lực của cuộc sống không hề nhẹ nhàng, nhắc họ rằng “nghỉ ngơi như thế là đủ rồi”.

Nhắc đến áp lực, tôi đọc được ở đâu đó ý kiến “ngược lối”, rằng Tết cổ truyền giờ đem về nhiều áp lực về vật chất, tinh thần cho mọi người, chứ không chỉ đơn thuần là hạnh phúc, đoàn viên như ngày xưa. Mấy mươi năm trước, cuộc sống bần hàn, mọi người trông chờ Tết để có dịp nghỉ ngơi, được ăn ngon, mặc đẹp, được đoàn viên.

Thời nay, người nghèo đến mấy cũng được ăn cơm trắng, thịt kho hột vịt, dưa hấu, bánh tét mỗi ngày, đâu phải chờ Tết. Muốn gặp nhau, đã có mạng xã hội, công nghệ thông tin kết nối. Vậy nên, Tết trở nên thừa thãi, ngột ngạt, buộc con người vào vòng xoáy mua sắm, về quê, lì xì, tiệc tùng…

Có lẽ, góc nhìn ấy không sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Không có kỳ nghỉ nào đủ dài bằng Tết Nguyên đán, tạo điều kiện để mọi người đoàn viên, sum họp với nhau thong thả hơn. Làm gì có mùa nào đẹp bằng những ngày se sắt chuyển giao giữa tháng Chạp và tháng Giêng, để tâm hồn chúng ta phơi phới chờ mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới.

Tết, không chỉ để ăn những món cổ truyền, mà còn để thưởng thức phong tục tập quán được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tết, không gây áp lực cho con người. Có chăng, chính con người đang gây áp lực cho mình, bởi ý muốn “Tết sung túc”, đặt nặng chuyện vật chất trên cả niềm vui tinh thần…

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận ra quy luật cuộc sống “Xuân đang tới, nghĩa là Xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già”. Lời chào rôm rả hôm gặp mặt như còn đó, mà lời chia tay đã quẩn quanh. Trên chuyến xe rời đi, là đầy ắp quà quê, tình quê, là câu nói bịn rịn: “Hẹn Tết sau sẽ về!”. Cái hẹn ấy gói ghém sự nuối tiếc, xen lẫn mong chờ, hy vọng của người đi, kẻ ở. Vậy nên, năm sau vẫn phải có Tết, để lời hẹn ấy trở thành hiện thực, để nối dài cột mốc đáng nhớ cho đời người…

GIA KHÁNH