Vẻ đẹp vùng cao Nậm Nghiệp mùa hoa sơn tra

28/03/2024 - 08:40

Vài năm trở lại đây, cứ vào khoảng giữa tháng 3, hoa sơn tra (táo mèo) lại nở rộ nhuộm trắng tinh khôi những đồi núi, bản làng ở xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) và mời gọi bước chân du khách gần xa. Trong đó, bản Nậm Nghẹp (còn được gọi là Nậm Nghiệp) trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với diện tích cây sơn tra rất lớn và bản sắc văn hóa H'Mông đậm đà.

Mùa hoa sơn tra mang lại vẻ đẹp và sức lôi cuốn của Nậm Nghẹp.

Mùa hoa sơn tra mang lại vẻ đẹp và sức lôi cuốn của Nậm Nghẹp.

Bản Nậm Nghẹp nằm ở độ cao 2.000 đến 2.300 mét so với mực nước biển, cách trung tâm xã Ngọc Chiến khoảng 12km. Bản có 135 hộ, 100% dân tộc H'Mông.

Miền núi phía bắc có nhiều địa phương khác cũng trồng sơn tra, tuy nhiên nơi đây được ví như "thủ phủ sơn tra", "thiên đường hoa trắng" nhờ tập trung hơn 1.200ha sơn tra, trong đó nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi, phủ kín núi rừng và đồng loạt nở mỗi mùa xuân về.

Khung cảnh thơ mộng mùa sơn tra nở ở Nậm Nghẹp.

Hiện tại phần lớn đường lên bản là đường đất rất gập ghềnh, bụi bặm. Tuy di chuyển khó khăn nhưng du khách vẫn có thể lựa chọn đi tour bằng xe buýt du lịch xuất phát từ Hà Nội, Yên Bái, Sơn La... hoặc tự lái phương tiện cá nhân (với điều kiện xe có cấu tạo phù hợp với địa hình). Một phần khá đông khác thì đến trung tâm xã rồi thuê dân bản dùng xe máy chở lên và xuống, giá 300 nghìn/người/hai chiều.

Đường lên bản Nậm Nghẹp tháng 3/2024 đang thi công dở dang, song nhiều du khách vẫn không ngại khó khăn tìm đến giữa mùa hoa tươi đẹp nhất. Trong tương lai không xa khi đường nhựa hoàn thành, tiềm năng du lịch nơi đây sẽ tiếp tục được phát huy.

Cả bản hiện có 7 cơ sở lưu trú, toàn bộ là homestay cải tạo từ nhà dân. Sự mộc mạc, độc đáo, gần gũi với thiên nhiên là điểm nhấn hấp dẫn du khách và đúng với những xu hướng du lịch "hot" thời gian qua.

Bên cạnh homestay thì hình thức cắm trại dưới tán rừng cũng được yêu thích, đặc biệt là du khách trẻ tuổi.

Sơn tra là cây thân gỗ, cây lâu năm có thể to đến vài vòng tay người ôm. Hoa sơn tra có 5 cánh màu trắng ngà, nhụy vàng, khá giống hoa mận, hoa lê... nhưng kích thước khác hẳn, hoa nở khi lá đã rụng hết tạo thành những chùm hoa trắng bồng bềnh, đẹp mắt.

Sơn tra ra hoa trong khoảng 1 tháng rồi sẽ kết quả, tiếp tục sinh trưởng đến khoảng tháng 9, tháng 10 thì trái chín đỏ và vào mùa thu hoạch. Từ một loài cây có giá trị kinh tế nông-lâm nghiệp, giờ đây sơn tra còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch và tạo đa dạng sinh kế cho bà con.

Đến với bản Nậm Nghẹp, du khách có thể đi dạo quanh bản, hít khí trời vùng cao, ngắm hoa và chụp ảnh với hoa.

Du khách có thể trải nghiệm, vừa thưởng thức trà ướp hoa sơn tra vừa ngắm hoàng hôn tại quán cà-phê duy nhất của bản nằm trên đỉnh đồi.

Người H'Mông ở Nậm Nghẹp rất hồn nhiên, chất phác. Phần lớn người lớn tuổi không biết tiếng Kinh hoặc chỉ có thể giao tiếp đơn giản, tuy vậy họ vẫn bày tỏ sự thân thiện, mến khách.

Một số chủ hộ như anh Thào A Vạng, anh Kháng A Lệnh... nhanh nhạy và tâm huyết với việc làm du lịch cộng đồng, vừa học hỏi từ các mô hình thành công ở địa phương khác, vừa tìm cách liên kết và cùng nhau phát triển.

Ông Dương Minh Bình (người đứng giữa), chuyên gia du lịch bền vững - nổi tiếng là "phù thủy" homestay - đến tham quan, khảo sát một số cơ sở lưu trú, dịch vụ của bản Nậm Nghẹp trong dịp này.

Dùng bữa tối dưới gốc sơn tra hơn trăm năm tuổi, bên ánh lửa bập bùng và lắng nghe tiếng hát, điệu khèn của người H'Mông, du khách nhận được những ấn tượng và xúc cảm khó phai.

Theo Nhân Dân