Về nghe mẹ ru!

30/04/2024 - 06:04

 - “Ai đã ghim vào những thân tre, bao ký ức xót xa hỡi mẹ?/ Ai đã ru ngủ những dòng sông, cùng êm ả chảy về hướng đông?” - không ít người đã từng hỏi như thế. Chiến tranh lùi vào quá khứ, một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam. Đổi lấy tự hào ấy, biết bao người mẹ phải nén đau thương, động viên, đưa tiễn chồng, con lên đường kháng chiến.

Dưới cái nắng như đổ lửa cuối tháng 4, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1935, ngụ xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Nghe tiếng chào của chúng tôi, mẹ vui mừng cất giọng: “Mấy đứa đến rồi hả, nhanh vô đây ngồi nè, ngoài đường nắng lắm!”. Nở nụ cười phúc hậu, mẹ bảo rất vui, vì hôm nay nhiều người đến thăm quá.

Chồng mẹ Bảy hy sinh năm 1969, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1982, mẹ tiếp tục tiễn biệt người con trai Hứa Hà Triều hy sinh tại chiến trường Campuchia. Nay, đôi mắt mẹ đã mờ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn quên.

Nhưng khi chúng tôi muốn lắng nghe, mẹ nhanh chóng lục lại ký ức, rành mạch kể: “Quê mẹ ở tỉnh Trà Vinh. Hồi đó, mẹ nuôi giấu bộ đội trong nhà. Mỗi lần các anh về, lưu lại hơn 1 tuần. Gian bếp bằng nền đất sau nhà ngày xưa là nơi chồng mẹ đào hố cho bộ đội ẩn nấp. Mỗi lần giặc đi tuần, mọi người xuống đó trú ẩn. Phía trên, mẹ trải bao bố, cho 5 đứa con nhỏ nằm chơi và hát ru chúng ngủ”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy vui khi tuổi trẻ huyện Thoại Sơn về thăm

Mẹ Bảy một lòng theo cách mạng. Bên cạnh góp gạo nuôi bộ đội, mẹ chưa bao giờ ngăn cản chồng, con tham gia cách mạng để đánh đuổi kẻ thù, giải phóng dân tộc. Điều khiến mẹ còn chạnh lòng đến nay là khi con trai lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã không gặp mặt từ biệt mẹ lần nào. “Nó sợ mẹ không cho đi theo các anh, các chú, chỉ viết thư gửi về. Mẹ có cản ngăn bao giờ, chỉ tiếc nuối vì không gặp mặt dặn dò con trước khi đi…” - mẹ Bảy chùn giọng.

“Năm 1981, em tôi đi làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Hàng tháng, em đều gửi thư về, hỏi thăm sức khỏe gia đình, báo bình an. Bẵng một thời gian, chúng tôi không nhận được thư của em nữa. Đến khi nhận được, thì lại là thư báo tử. Sợ mẹ đau lòng vì ba đã ra đi, nay hay tin em tử trận sẽ chịu không nổi, chúng tôi giấu mẹ. Nhưng có bí mật nào là mãi mãi đâu.

Vô tình hay tin dữ từ hàng xóm, mẹ trách chúng tôi rất nhiều. Khác với những gì chúng tôi nghĩ, mẹ rất kiên cường. Có thể mẹ đã khóc, nhưng cố nén nỗi đau, không cho chúng tôi thấy. Mẹ còn động viên chúng tôi sống tốt, không phụ sự hy sinh của ba, của em” - bà Hứa Kim Hồng (sinh năm 1956, con gái lớn của mẹ Bảy) chia sẻ.

“Con đã vẽ hình hài quê hương, qua những khúc hát ru của mẹ/ Còn bao nhiêu lời ru, con vẫn chưa được nghe” - chúng tôi thật sự say sưa với những câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Con trai của mẹ hy sinh vì Tổ quốc, khi mới đôi mươi. Anh không còn dịp bên cạnh chăm sóc, nhưng mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con lối xóm, của thế hệ trẻ hôm nay - đó là niềm vui lớn nhất với mẹ.

Còn chúng tôi, mãi tự hào về các Mẹ Việt Nam Anh hùng - những người nén đau thương, gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Chia sẻ mong ước của mình, mẹ Bảy tâm sự: “Đang sống trong thời bình, nhưng mẹ vẫn mong thế hệ trẻ mãi nuôi dưỡng tình yêu nước mãnh liệt như thời trước. Chỉ có lòng yêu nước mới thôi thúc ta học tập, dựng xây đất nước ngày một phát triển”.

Trên dải non sông hình chữ S, còn biết bao Mẹ Việt Nam Anh hùng trung hậu, lặng thầm nén nỗi đau mất chồng, mất con, góp phần dệt nên trang sử hào hùng của dân tộc. Trong giọng nói, ánh mắt của Mẹ Nguyễn Thị Bảy, chúng tôi bắt gặp vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. “Người Việt Nam da nâu mắt đen, thảo thơm bất khuất như cành sen” - câu hát bài “Một vòng Việt Nam” vang lên càng làm chúng ta thêm tự hào về hào khí Việt Nam, về những chiến công oanh liệt mà bao thế hệ cha anh đã tạo nên, để chúng ta cảm nhận được 2 tiếng “hòa bình” hôm nay.

Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2016, mẹ Nguyễn Thị Bảy được phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là nguồn động viên, an ủi to lớn để mẹ tiếp tục sống vui, khỏe trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. 


PHƯƠNG LAN