Vợ đẹp, đàn con cháu đông đúc đứa nào cũng khỏe mạnh, thông minh đĩnh ngộ, cơm ngày ba bữa anh ăn rất ít nhưng người vẫn khang thái như thường.
AA
Hình như ông Trời nhận ra sai lầm của mình là đã bắt anh Tư ve chai chịu nhiều vất vả thiệt thòi quãng nửa đời người về trước, nên vài chục năm về cuối đã bù lại cho anh được hưởng đủ đầy hạnh phúc, thanh nhàn.
Vợ đẹp, đàn con cháu đông đúc đứa nào cũng khỏe mạnh, thông minh đĩnh ngộ, cơm ngày ba bữa anh ăn rất ít nhưng người vẫn khang thái như thường, có lẽ nhờ vào ly rượu thuốc thơm lừng chả biết chị Tư ngâm những củ và lá rừng gì mà chỉ uống một ly nhỏ thôi anh đã thấy trong người khoan khoái lâng lâng chỉ muốn bò lên giường áp cái đầu to quá khổ gối lên cánh tay rồi từ từ đi vào giấc ngủ li bì, giá như trời đổ cái ụp cũng không hề hay biết.
Vô tư vậy nhưng anh cũng chẳng thoát được kết cục già nua, mệt mỏi như bao người khác. Ngoài sáu mươi, tóc anh đã rụng dần, ngoài bảy chục thì chỉ còn một vòng xơ xác trắng xóa bao xung quanh hai mang tai và sau gáy. Còn vầng trán vốn dĩ đã rộng gấp đôi người thường của anh nay mỗi ngày một mênh mông nới thêm ra nhanh như bãi cát bến sông sau cơn nước rút thủy triều. Vợ anh, chị Tư ve chai thì ngược lại hoàn toàn. Vào tuổi sáu mươi vóc dáng vẫn mặn mà đằm thắm chẳng cô gái một con nào ăn đứt. Ngoài bảy chục chẳng ai nỡ gọi bằng bà, mái tóc vẫn đen mướt dù chẳng xức một giọt dầu, có săm soi cố ý cũng đố ai kiếm ra sợi bạc, ban ngày chị gọn gàng cuộn một búi to tròn che trùm chiếc gáy trắng nõn nà, ban đêm chị buông chùng tới gối một suối mây nhưng nhức nhung huyền tỏa ra không gian thoang thoảng mùi hương chanh hương bưởi. Và gần như chẳng hề có quy luật thời gian hà khắc nào đụng được vào thân thể chị. Tuy hằng ngày phải gieo neo trên những nẻo đường mưu sinh mua bán ve chai lầm bụi, vất vả vậy mà mỗi bước chị đi cứ uyển chuyển nhịp nhàng không một chút dấu hiệu tuổi già. Da mặt, da tay, da cổ chị, nắng mưa cỡ nào cũng phải chào thua sắc diện thanh xuân rờ rỡ hồng hào non mịn mà ông trời đã ưu ái phú cho từ thuở chị sinh đứa con gái đầu lòng. Còn mùi thơm mê mẩn mơ màng ẩn tàng trong chị mấy chục năm nay vẫn chẳng hề suy giảm, hễ có chị hiện diện ở đâu thì bầu không khí xung quanh nơi ấy luôn lương vương mùi mê hương dìu dịu, người lương thiện hít vào thì đêm về ngon lành giấc ngủ, còn kẻ bất lương nhận được đầy buồng phổi thì lá gan teo nhỏ lại, tâm trí ngất ngây loáng choáng quên cả ý định đi làm việc ác. Nghĩ về chị, chẳng ai nghi ngờ có một sự huyền bí diệu kỳ của một đấng quyền năng nào đó vẫn hằng hiện diện trên cõi đời này. Nhìn thấy chị là người ta như nhìn thấy sự sinh sôi phồn thực tuần hoàn miên viễn cùng niềm mơ ước cháy bỏng trường xuân bất lão của loài người có lẽ đang trở nên hiện thực.
Ấy vậy mà cái lẽ huyền cơ sinh diệt vẫn cứ mẫn cán thực thi ngay dưới mái nhà của chị. Một buổi chiều sau khi ăn một chén cơm, uống một ly rượu thuốc, anh Tư ve chai không còn được hưởng cảm giác lâng lâng muốn lên giường làm một giấc êm ái như mọi lần, như hai mươi năm nay hằng vậy. Trong cái đầu hơi to của mình, lần đầu tiên anh thấy nhay nháy đau đau, như có sự cục cựa của hạt cây nứt vỏ nảy mầm. Mới thì nhè nhẹ, sau đau buốt mạnh lên dữ dội. Tình trạng ấy kéo dài suốt đêm, anh cố chịu đựng không cho vợ con biết. Nhưng sáng hôm sau trông thấy sắc diện phờ phạc của chồng, chị Tư hốt hoảng kêu trời. Bỏ buổi đi mua ve chai, chị ở nhà chăm sóc anh. Hết cháo lại sữa, ép anh ăn được bao nhiêu lại nôn ra bấy nhiêu. Linh tính sự chẳng lành, chị cứ ôm riết đầu chồng không một phút ngừng lúc lắc mà than thở cầu xin cùng với hai hàng nước mắt chứa chan:
- Anh ơi! Anh Tư ơi, anh sẽ khỏi ngay thôi mà, con cháu đang quây quần đầy xung quanh anh đấy thôi. Thương xót chúng mà ở lại anh ơi!
Đáp lời chị, anh Tư ve chai chỉ một động tác lúc lắc càng mạnh cái đầu to quá khổ và nhắm nghiền đôi mắt. Còn trên khuôn mặt anh chỗ da nào co được thì co thắt tới nhăn nhúm vô cùng đau đớn. Khoảng một giờ đồng hồ sau thì anh thả chùng nét mặt, he hé hai mắt lờ đờ nhìn khắp lượt con cháu rồi quờ bàn tay đã lạnh giá như tay xác chết nắm chặt bàn tay ấm áp của chị Tư rồi thở hắt một hơi cuối cùng, lặng lẽ ra đi trong vòng tay ôm siết đớn đau thương xót của người vợ suốt đời anh vô cùng yêu quý.
Anh Tư mất rồi, các con trai gái đều đã thành gia thất, có con cái đủ đầy hạnh phúc cả rồi, chị Tư ve chai thấy mình như thừa ra ở ngay chính nhà mình. Các con chị lấy lý do tuổi tác không cho chị đi mua ve chai nữa. Chị thấy cũng chẳng cần tiền bạc gì nhiều nên nghỉ luôn cái công việc gần suốt cuộc đời chị vẫn gắn bó thân thuộc và yêu mến tưởng không thể nào rời bỏ. Con gái thì đứa lấy chồng xa, đứa ở gần. Việc nhà chẳng có nhiều nhặn gì, chỉ là quẩn quanh ra vào chăm sóc mấy đứa cháu nội dễ thương như bầy cún con cho nguôi ngoai ngày tháng. Chúng là con của thằng bé trai út ít rạng rỡ tiên đồng năm nào được anh phóng viên chụp vội được một pô ảnh đẹp thần kỳ. Tấm ảnh duy nhất trong đời đưa anh ta đến giải đặc biệt trong kỳ thi ảnh quốc gia hồi đó. Rỗi việc, chiều chiều chị ngồi trên chiếc ghế xích đu xưa anh Tư vẫn ngồi thư thái nghe Lệ Thủy ca vọng cổ. Chị không mở cát-sét, tai như điếc đặc trước những tiếng nắc nẻ cười đùa của bầy cháu nội. Chị im lặng ngắm hoàng hôn đang dần tắt phía sau rừng. Phía rừng xa xa ấy còn nấm mồ cha chị hiu quạnh lâu nay không ai nhang khói. Phía sâu thẳm rừng già kia, mấy chục năm trước đã cưu mang, ấp ủ một tuổi thơ lam lũ của chị và một mảnh đời thơ ấu vô cùng tối tăm cay cực của anh Tư, chồng chị sau này. Chiều nào trong miền hoài niệm chị cũng thấy hiện lên rất rõ ràng một vài cố sự nào đó với đan xen tâm trạng buồn vui, cùng giằng xé ân hận giày vò.
Hồi ấy… khoảng hơn hai chục năm rồi. Cái thời thị trấn T… mới thành lập, cái hồi tiệm cháo lòng của tay Hèng cá sấu đang kỳ phát đạt thì bùng lên một cơn điên đảo đất mặt tiền. Khát tiền đến độ Hèng cá sấu bỏ bê nghề phục vụ ăn uống, chạy theo mánh mung môi giới đất đai cùng hai tay giang hồ ở đâu lang bạt tới thị trấn này. Một trong hai tay ấy là thằng có biệt danh Con thằn lằn. Lần đầu tiên trông thấy chị trong tiệm cháo lòng hắn đã bị hớp hồn đến độ sửng sốt đánh rơi đôi đũa và hai mắt trô trố lồi lồi nhìn chị không hề chớp. Nếu như lúc ấy từ mồm hắn bật ra mấy tiếng kêu “Tắc… tắc” thì chắc chắn chị không nghi ngờ mình đang đứng trước một con thằn lằn đầu thai lộn kiếp người. Từ đấy, hễ có cơ hội là hắn nhằng nhằng bám theo chị suốt. Lúc dịu dàng tán tỉnh dụ khị bạc tiền. Lúc sỗ sàng dùng bàn tay khả ố bất ngờ vỗ vào những chỗ lồi lồi nây nây mỗi đêm hắn thèm thuồng mường tượng trên thân thể chị. Khi nín nhịn từ chối lịch sự, khi thẳng thắn cảnh cáo sỗ sàng vẫn chẳng chùn lòng kẻ xấu. Cuối cùng trong một lần hắn quá quắt sấn sổ tấn công chị giữa đêm khuya trên đoạn đường vắng buộc chị phải đi qua trong lúc quýnh quáng chạy mua thuốc đau bụng cho đứa con gái nhỏ, uất ức kiềm lòng không được, chị đã buông ra câu chửi:
- Đồ thú vật… rồi có ngày mày mất bay cánh tay tội ác này đấy.
Chạy được ra giữa vùng sáng của ngọn đèn đường rồi, tai chị còn nghe thấy hắn xổ ra những lời rên rỉ thách thức khả ố:
- Anh đếch sợ, anh đếch sợ. Được ôm em vào lòng dù mất cả hai cánh tay anh vẫn sẵn sàng.
Về đến nhà rồi, hoàn hồn rồi chị mới thấy lòng mình lo sợ bần thần ân hận, tự trách mình sao lại vô tình buột miệng nói những lời lẽ ấy. Biết đâu nó cũng linh ứng như hai lần mới rồi chị mắng hai kẻ hồ đồ trước đây thì khốn khổ. Dẫu rằng họ chưa gánh hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng lần này ngộ nhỡ thằng mất dạy ấy mất cánh tay thật thì sẽ ra sao. Mấy ngày liền chị không dứt cơn buồn, những muốn lấy tay mình tự vả miệng mình và tự hứa sẽ kiềm chế bản thân khi tình huống tương tự xảy ra. Nhưng chẳng lâu sau, cũng trong một tối khuya khoắt tương tự, bất thình lình chị chạm trán tay Hèng cá sấu. Có lẽ do bị ám ảnh quá nhiều những cảnh dục tình hắn thường xuyên mơ mộng về chị, nên gặp dịp này Hèng ta hùng hổ dùng sức mạnh của thằng đàn ông cường tráng tuổi bốn mươi, từ đằng sau vồ tới ôm cứng hai tay chị rồi quắp vào vườn điều bên đường. Biết dùng sức không lại, trong vòng tay hắn chị năn nỉ cũng không xong, cơn giận bùng phát cực độ khi thấy hắn giật phăng sợi dây chuyền vàng nhét vào tay chị, thoáng giận dữ nghĩ nó lại coi mình là con điếm thế a, chị vụt vùng lên với một sức mạnh không ngờ, phi một cú đá thần sầu trúng ngay bộ hạ hắn rồi bật tung người đứng lên, miệng vô thức bật ra lời nguyền dữ dội:
- Rồi mày sẽ chết bất đắc kỳ tử cho mà xem.
Giận dữ khinh bỉ vậy, nhưng khi thấy hắn ôm bụng đau đớn la oai oái, chị lại thấy lòng mình mềm oặt, lạnh toát như có ai dội nước. Trời ơi, biết đâu hắn bị vậy thì tội quá!
Chưa đầy tháng sau, hai tin dữ truyền đến tai chị là thằng Hèng cá sấu đã thắt cổ chết trong một nhà trọ tận miền Tây và bạn nó là Con thằn lằn vừa bị một bọn giang hồ thanh toán, không chết nhưng bị chém đứt lìa một cánh tay giữa rừng biên giới. Nghe hung tin của kẻ ác mà sao chính bản thân chị rụng rời thương cảm cho mình. Ít ngày sau chị biết được nguyên nhân chúng bị như vậy là do cờ bạc lừa lọc nhau. Nhưng trong thâm tâm chị vẫn canh cánh buồn phiền. Nhất là hôm chứng kiến cảnh vợ con Hèng cá sấu bán nhà để thanh toán nợ nần cho chồng rồi dắt díu nhau ra nhà lồng chợ thị trấn ở tạm, lòng chị càng dâng đầy nỗi xót thương vô bờ bến. Tâm trạng ấy chỉ vơi đi chút ít khi chị đề nghị chính quyền ấp và thị trấn đứng ra cùng ông Ba bưu điện và anh Tư bốc vác, người hiến đất, người tặng tiền, người góp sức làm cho gia đình Hèng cá sấu một căn nhà nho nhỏ đủ ở trên đất vườn ông Ba bưu điện. Hiện lúc ấy miếng đất thổ cư của ông đã có mấy căn liền kề làm chỗ nương thân cho những mảnh đời cùng quẫn như vậy. Dãy nhà ấy vẫn tồn tại đến bây giờ dù người ở đã mấy lần thay đổi. Có một ai đó đã một lần nào đó gọi nó là khu nhà Từ tâm. Rồi mọi người gọi theo. Rồi mặc nhiên thành địa chỉ hành chính cho đến bây giờ.
Hằng ngày dù lạ, dù quen, gặp ai chị Tư ve chai cũng vồn vã hỏi chào cùng với nụ cười tươi tắn đến mê hồn. Họ nghĩ chị là người sung sướng viên mãn lắm. Thực chẳng ai biết được rằng chị thường có nhiều lắm những phút giây cô đơn khôn tả. Trời cho chị xinh đẹp, cho chị một thanh xuân gần như vĩnh cửu. Nhưng chính vì nó, chị đã phải thường trực hứng chịu bao nhiêu phiền toái, nhiều khi dẫn đến phiền lòng cùng những ân hận giày vò. Với những người như anh Tư bốc vác, từ một tay anh chị tứ chiếng giang hồ, cảm mùi hương thiên thần nơi chị đã đột nhiên hướng thiện, sau làm được nhiều công đức, chị thấy thực sự ấm lòng. Ngày ngày chị gặp anh Tư- giờ là Tư chủ vựa ve chai mỗi lúc mỗi già nua trông thấy, tay cầm cây gậy ngồi trước hiên nhà nhìn chị với ánh mắt vừa hiền từ như của người cha, vừa đầy lòng kính phúc, chị cảm động đến xót lòng, đến rưng rưng muốn khóc. Nhưng gặp đôi mắt nhiều quầng thâm của thằng con ông, hằng ngày nó hau háu nhìn chị khi xanh lè như mắt mèo, khi hung đỏ như hai cục than hồng, bản lĩnh như chị cũng phải co rúm người kinh hãi chẳng biết lý do gì. Cái thằng ấy, cái thằng lần đầu tiên gặp chị nó mới mười bốn tuổi đã dám lén nhìn chị tắm bằng đôi mắt đỏ rực, đến nỗi suýt nữa bị ba nó giết chết tươi bởi một thanh dao phát sắc lẻm. Vậy mà nay nó đã hơn bốn chục tuổi rồi, tuy chưa dám có một hành vi sàm sỡ nào, nhưng ánh mắt man dại đắm mê xưa của nó vẫn chưa hề có dấu hiệu lụi tàn. Có lẽ đấy chính là đầu mối của nỗi lo lắng mơ hồ lâu nay đeo bám chị cũng nên.
Sau ngày giỗ đầu anh Tư, chị Tư ve chai cứ có cảm giác như có ai đấy gọi mình từ chốn mơ hồ nào đấy. Lòng dạ bần thần nửa muốn đi đâu đó thật xa, nửa muốn về thăm lại con suối trong rừng sâu mấy mươi năm trước chị đã ở mấy năm cùng người cha ốm đau trong một căn lều rách nát dựa vào lưng tảng đá to ven bờ. Ý muốn ấy mỗi ngày một thôi thúc mãnh liệt đến độ chị quên cả bên đời mình bây giờ còn có con, có cháu và bao nhiêu bạn bè thân thiết nương tựa một thuở đói nghèo. Rồi một buổi sáng tháng tám trời trong xanh, nắng dịu, gió nam phây phây thổi những lá vàng xao xác bay bay gợi niềm ly biệt. Chẳng một lời dặn dò con cháu, chẳng một câu chào hỏi xóm giềng, chị lặng lẽ dắt chiếc xe đạp xưa anh Tư và chị đã thay nhau ngày ngày rong ruổi dặm trường mưu sinh lầm lũi trong cát bụi ra khỏi nhà. Thong thả đạp những vòng cuối cùng trên mấy quãng đường quanh co quen thuộc, thực lòng lúc đó chị chẳng có ý định gì. Nhưng chị cứ có cảm giác không bao giờ về lại nơi bao xiết mến thương này nữa. Vòng xe vô thức dẫn chị mỗi lúc một xa, một xa. Xa đến nỗi nhìn cây, nhìn rừng và nghe tiếng rừng rộn rã líu lo bao nhiêu là chim chóc chị hoang mang chẳng biết mình đang lạc tới chốn nào. Tới khi đầu bánh xe chạm phải một vách rừng rậm rạp, chị xuống xe bỏ nó cạnh một gốc kơnia cổ thụ, rồi lẳng lặng vạch cỏ hoang lần bước. Chỗ nào chị cũng thấy quen thuộc như đây chính là nơi mấy chục năm trước mình đã từng len lỏi. Nghe tiếng nước róc rách chị cứ tưởng sắp đến bờ suối xưa hai cha con chị khốn khổ nương tựa vào nhau giữa bụng sâu rừng thẳm. Nhưng đều hóa ra không phải. Mọi vẻ u tịch hoang liêu này hình như không phải ở chốn phàm trần. Tới xế chiều, mái rừng không còn một giọt nắng chiếu qua, tuy người không một chút mệt mỏi, nhưng chị vẫn ngồi xuống nghỉ dưới một cây gì gốc xù xì to mấy người ôm. Ngước mắt, chị thích thú nhìn thấy chen trên tán lá sáng xanh màu ngọc bích cơ man nào là những bông hoa muôn sắc ngào ngạt muôn hương hòa quyện cùng trùng trùng cánh bướm đủ màu dập dờn bay lượn. Rồi chị thấy thân thể mình bỗng nhiên nhẹ bẫng, hai nách như mọc ra hai cánh nhịp nhàng vỗ vỗ đưa chị bay lên, bổng bay lên cao tít, cuốn theo một đàn bươm bướm xoay tròn quấn quanh người chị. Mãi tới khi chạm vào một quầng ánh sáng xanh biếc giữa đỉnh trời, mắt chị bị chói lòa bởi một một luồng sáng nhóa nhòa của một bầu trời khác rực rỡ sắc màu. Bầu trời ấy chính là nơi chị đã ngự trị và còn đời đời ngự trị.
Anh phóng viên năm nào giờ đã là ông lão tám mươi lú lẫn. Một buổi sáng bỗng thấy lòng dạ nôn nao muốn mở chiếc máy ảnh cũ kỹ ra coi lại. Bỗng trên màn hình bật sáng một tấm hình có người mẹ trẻ đẹp như tiên sa đứng cạnh gốc xoài lúc lỉu trái xanh. Anh ta vụt nhớ ra pô hình tưởng bị cháy năm nào. Vội vàng đem ra tiệm in ảnh, anh nhận ra chị Tư ve chai sống động rạng rỡ trong tấm hình, có cảm tưởng nếu anh không chặn lại thì chị sẽ bước khỏi khuôn hình chạy vù đi mất. Có một sự mách bảo nào đấy, anh vội vàng lên xe đò tìm về gốc gác huyền thoại cũ. Tới nơi anh gặp ngay sự kiện con cháu chị Tư ve chai đang làm đám ma giả đưa tiễn mẹ về trời. Chúng đang rầu rĩ hối tiếc mẹ đẹp thế mà chẳng có một tấm hình để lại. Anh phóng viên đến đúng lúc. Tấm hình chị Tư được trang trọng dâng lên bàn thờ nghi ngút khói hương thành kính. Tất cả những người hàng xóm, cả con cháu chị Tư đều kinh ngạc reo lên như gặp lại chính con người chị trở về tươi tắn mặn mà như thuở chị hằng sống vui vẻ, hằng che chở cho cõi đời mưa nắng thế gian này. Riêng thằng con anh Tư bốc vác, thằng bé mười bốn tuổi dám nhìn trộm chị tắm năm xưa, bây giờ đã ngoại tứ tuần khi ngước nhìn lên bắt gặp tia mắt chị Tư ve chai ánh lên cùng nụ cười tươi mơn mởn, tức thì hai con ngươi mắt nó vụt vằn lên hai vòng tròn xanh lét như mắt mèo, ai lúc đó vô tình chứng kiến tất thảy đều ghê sợ đến suốt đời.
Thị trấn T… năm rồi vừa kỷ niệm năm thứ mấy mươi thành lập. Quan khách về dự đông nghìn nghịt. Họ có nghe nói về một chị Tư ve chai xưa đẹp tuyệt trần, người có mùi hương thân thể thơm mê man tới độ làm xiêu hồn bất cứ ai từng tiếp xúc. Hỏi mấy cư dân đã có tuổi già lụ khụ thì chỉ nhận được những thông tin mù mờ. Nhưng giống soài đặc sản, giống dừa đặc biệt và giống đu đủ ra trái từ sát đất và trái của tất cả các cây ấy đều có một hình thù tròn vo, bụ bẫm như vú gái đang nuôi con trên vườn các nhà con cháu chắt chút chị Tư ve chai xưa thì còn tồn tại và đang trên đà sinh sôi vô tận. Thị trấn T… mấy năm nay đã giàu lên vùn vụt nhờ có một loại lan rừng vừa thơm, vừa đẹp không một thứ lan vương giả nào trên thế giới sánh kịp. Nghe nói một nhành lan ấy có giá ngất ngưởng mấy trăm đô. Đắt đến nỗi nhiều người đua nhau khai thác tới mức cạn kiệt. Gốc của nó mãi tận tít rừng sâu. Có một kẻ tìm đến tới nơi hái được một bông cuối cùng thì thấy lộ ra một chiếc xe đạp cũ, đụng vô liền mủn nát chẳng còn gì. Cành lan ấy vẫn lại nghe nói anh ta không nỡ bán, để nhà chơi nhưng kỳ lạ là dù không tưới tắm, mấy năm liền vẫn hoa tươi sắc và hương thơm của nó thì chẳng có mùi thơm thiên nhiên hay nhân tạo nào sánh bằng. Lại nghe nói là bộ văn hóa thông tin đã cử chuyên gia về tìm hiểu để nhân giống lan và các giống trái cây đặc sản của thị trấn ra toàn quốc nhưng chẳng biết có thành công không.
Theo Báo Tây Ninh
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: