Vì một Việt Nam phát triển bền vững

15/12/2021 - 06:33

 - 60 năm xây dựng và phát triển, công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, được Đảng, nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Công tác DS-KHHGĐ trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tổ chức xã hội. Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 60 năm qua, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam là chặng đường đầy cam go, thử thách và những nỗ lực phi thường, với những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ.

Từ năm 1958 trở đi, sản lượng lương thực giảm, trong khi tốc độ tăng dân số tăng cao. Vì thế, ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn và theo đó cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch chính thức được phát động. Sau khi đất nước thống nhất, giai đoạn 1976-1990, dân số nước ta khoảng 49 triệu người. Công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn này được xác định có vị trí quốc sách trong sự nghiệp phát triển đất nước, chính sách về quy mô dân số nước ta được mở rộng cả về nội dung, đối tượng và phạm vi thực hiện.

Giai đoạn 1991-2001, đánh dấu bước phát triển mới của công tác dân số. Năm 1991 là năm có một tổ chức bộ máy chuyên trách lần đầu tiên trong lịch sử công tác DS-KHHGĐ. Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ trở thành cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ ở Trung ương. Hệ thống Ủy ban DS-KHHGĐ cấp tỉnh và huyện; cấp xã có Ban DS-KHHGĐ và có cán bộ chuyên trách dân số; và mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại thôn, bản được hình thành. Với phương thức hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai. Bộ máy dân số từ tỉnh đến cơ sở do Phó Chủ tịch thường trực UBND kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban DS-KHHGĐ theo phân cấp và lãnh đạo điều hành.

Đưa chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân

Từ năm 2001 đến nay, tổ chức bộ máy của ngành dân số có nhiều thay đổi. Năm 2002, sáp nhập Ủy ban DS-KHHGĐ với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Năm 2007, giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chức năng quản lý nhà nước về DS-KHHGD được giao về Bộ Y tế. Năm 2008, thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ trực thuộc Bộ Y tế và hoạt động cho đến nay.

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã sớm đạt được mức sinh thay thế (từ 2006) và duy trì vững chắc cho đến nay.

Để thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, công tác dân số chỉ tập trung vào vận động thực hiện KHHGĐ. Chính vì thế, quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề mà xã hội cần quan tâm: Xuất hiện xu hướng không sinh đủ 2 con; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng; Việt Nam đang vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" và đang "già hóa" dân số đến sớm, chất lượng dân số thấp...

Ngày 25-10-2017, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới ra đời. Nội dung chính là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư và nâng cao chất lượng dân số.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Từ năm 1961-2020, dân số Việt Nam tăng hơn 3 lần, từ 30,2 triệu lên 97,5 triệu, thấp hơn nhiều so với các dự báo dân số trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 6,3 con giảm xuống 2,12 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,14%. Tuổi thọ bình quân khá cao, đạt 73,7 tuổi năm 2020.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam với chủ đề: “60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững”, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Kế hoạch 49-KH/TU, ngày 27-4-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thưc hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với "già hóa" dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất luợng dân số, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương nhanh, bền vững.

Kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam, với vai trò trách nhiệm của mình, toàn thể cán bộ, công chức và những người làm công tác DS-KHHGĐ toàn tỉnh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn xứng đáng là niềm tự hào của tỉnh An Giang, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

VĂN KIM AN

(Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình An Giang)