Trong vài tháng gần đây, nhà lập pháp tại Mỹ, châu Âu và Canada đang đẩy mạnh nỗ lực cấm TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance, vì lý do bảo mật. Ngày 27/2, Nhà Trắng thông báo với các cơ quan liên bang rằng họ có 30 ngày để gỡ bỏ ứng dụng khỏi thiết bị chính phủ. Anh, Canada và một số tổ chức của EU gần đây cũng cấm TikTok trên thiết bị công.
Một ủy ban Hạ viện thậm chí còn giới thiệu dự luật để cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm TikTok trên toàn quốc. Vì sao TikTok, một nền tảng được giới trẻ yêu thích, lại trở thành trung tâm tranh cãi trên toàn cầu?
Vì sao các nước muốn cấm TikTok?
Nhà lập pháp và nhà quản lý phương Tây bày tỏ lo ngại TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể trao dữ liệu người dùng nhạy cảm như vị trí vào tay Trung Quốc. Luật an ninh quốc gia Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải cung cấp dữ liệu nếu cần thiết. TikTok phủ nhận các cáo buộc này và khẳng định họ hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của ai.
Ngoài ra, họ còn lo lắng trước lượng dữ liệu mà TikTok thu thập được. Tháng 12/2022, ByteDance cho biết đã đuổi việc 4 nhân viên truy cập dữ liệu hai nhà báo của BuzzFeed News và The Financial Times trong khi đang tìm hiểu một vụ rò rỉ nội bộ. Người phát ngôn TikTok Brooke Oberwetter gọi hành vi này là “lạm dụng nghiêm trọng” thẩm quyền của nhân viên.
Một nửa số bang của Mỹ cấm TikTok trên thiết bị công. (Ảnh: NYT)
Bên cạnh đó là những quan ngại về nội dung của TikTok và tác hại đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. Trong báo cáo cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chống Thù ghét trên mạng chỉ ra nội dung rối loạn ăn uống trên nền tảng thu hút 13,2 tỷ lượt xem. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, 2/3 thiếu niên Mỹ đang sử dụng TikTok.
Những nước nào đã cấm TikTok?
Ấn Độ cấm TikTok từ giữa năm 2020, khiến ByteDance mất đi một trong các thị trường lớn nhất của mình. Ấn Độ tố TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác bí mật chuyển dữ liệu người dùng sang máy chủ ở nước ngoài.
TikTok từng bị cấm tạm thời tại một số nước như Indonesia, Bangladesh và Pakistan vì truyền bá nội dung mà nhà chức trách cho là không phù hợp.
Trong khi đó, xu hướng phổ biến hiện nay là cấm TikTok trên thiết bị công. Nhiều nước đã gia nhập danh sách như Canada, EU, Anh, Bỉ.
Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách ép ByteDance bán TikTok Mỹ cho một công ty trong nước, nếu không sẽ cấm TikTok trên các chợ ứng dụng. Tuy nhiên, sau khi ByteDance đâm đơn kiện, nỗ lực của ông Trump không thành công.
Từ tháng 11/2022, một nửa số bang của Mỹ đã cấm TikTok trên thiết bị công. Một số trường đại học cũng cấm TikTok từ mạng Wi-Fi của mình. Các lực lượng quân đội, hải quân, không quân và bảo vệ bờ biển chặn TikTok được 3 năm. Dù vậy, lệnh cấm không áp dụng với thiết bị cá nhân. Sinh viên cũng chỉ cần chuyển sang kết nối dữ liệu để dùng TikTok.
Số phận của TikTok tại Mỹ
Tuần này, TikTok thừa nhận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn ByteDance bán ứng dụng nếu không muốn bị cấm. Những năm qua, TikTok tham gia đàm phán với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ để giải quyết những lo ngại về quan hệ của công ty với Trung Quốc, cũng như cách họ xử lý dữ liệu. Tháng 8/2022, TikTok đã gửi đề xuất dài 90 trang nêu chi tiết kế hoạch hành động tại Mỹ.
Hầu hết các lệnh cấm TikTok hiện tại đều được thi hành ở cấp độ tổ chức. Theo Caitlin Chin đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lệnh cấm tất cả người Mỹ dùng ứng dụng có thể vi phạm Tu chánh án thứ nhất. Sau tất cả, nhiều người Mỹ - bao gồm cả các chính trị gia hay hãng tin lớn như New York Times hay Washington Post – đều đang sản xuất video trên TikTok.
Để trấn an nhà chức trách Mỹ, TikTok đã thực hiện một số biện pháp như chuyển tất cả dữ liệu người dùng Mỹ sang đám mây của Oracle. Theo Reuters, TikTok còn cho phép Oracle thanh tra một số mã nguồn của ứng dụng. Oracle cũng được giao nhiệm vụ bảo đảm hạ tầng công nghệ của TikTok độc lập với ByteDance.
CEO TikTok sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới. Tại đây, Ủy ban Thương mại và Năng lượng sẽ đặt câu hỏi về thực hành bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như quan hệ với Trung Quốc của TikTok.
Theo Vietnamnet