Vị thế An Giang giữa ĐBSCL

24/09/2023 - 18:24

 - Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, An Giang giữ vai trò quan trọng về trung tâm lúa gạo, thủy sản, trái cây, có lợi thế lớn về kinh tế biên giới, là cửa ngõ giao thương giữa vùng ĐBSCL với các nước trong khối ASEAN. Vai trò và vị trí quan trọng của tỉnh đang dần được phát huy.

Phục hồi ấn tượng

Trong bối cảnh nhiều tỉnh công nghiệp còn chịu tác động nặng nề của hậu COVID-19, tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 2 con số rơi xuống mức âm trong 3 quý của năm 2023, thì An Giang - với “bệ đỡ” vững chắc từ nông nghiệp - đã cho thấy sự phát triển bền vững, cân bằng hơn, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tính đến giữa tháng 9/2023, có thêm 735 doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đăng ký hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ 2022. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 DN và 6.000 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 285.000 tỷ đồng. “Khả năng cả năm 2023, tỉnh có 800 - 900 DN thành lập mới. Số DN thành lập tăng cao cho thấy niềm tin của DN đối với tỉnh” - ông Phước nhấn mạnh.

Với khả năng phục hồi kinh tế, các DN đã tăng cường nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với giá cả hợp lý, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu. Tổng doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng của năm 2023 đạt hơn 144.598 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa đạt hơn 124.000 tỷ đồng, tăng 15%; doanh thu các ngành dịch vụ đạt 20.000 tỷ đồng, tăng 17,4%. Bên cạnh thương mại nội địa, các hoạt động xuất, nhập khẩu của An Giang đạt khá và vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt gần 900 triệu USD.

“Năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, An Giang đạt tốc độ tăng trưởng 6,87%. Trong 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 6,5%; khả năng 9 tháng tăng 7%; cả năm 2023 tăng trưởng có thể đạt 7,36% theo kịch bản đề ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá.

Cơ hội kết nối

Tuy chỉ chiếm hơn 12% diện tích cả nước nhưng ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu, nằm ở hạ lưu sông Mekong, có lợi thế sản xuất lương thực hàng đầu thế giới. ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu; đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.

ĐBSCL gần như là vùng đặc hữu, có thể nuôi được cá tra với diện tích lớn, năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, dân số đông (chiếm 19% dân số cả nước), lực lượng lao động dồi dào, nhưng vùng ĐBSCL chỉ tạo ra khoảng 15% GDP của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 3 “điểm nghẽn” lớn của vùng là giao thông yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và nguồn vốn phân bổ đầu tư còn hạn chế.

Giai đoạn 2021 - 2025, vùng ĐBSCL chứng kiến nhiều đột phá mới về đầu tư, quy hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau “Hội nghị Diên Hồng” lần đầu tiên cho đất “Chín Rồng” (năm 2017) cùng Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng tăng trưởng xanh, thuận thiên, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong định hướng xây dựng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao, An Giang - với lợi thế đầu nguồn sông Cửu Long, có nguồn nước ngọt quanh năm - giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cung ứng lương thực, thủy sản, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là khả năng sản xuất con giống thủy sản cho vùng.

Giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030, vùng ĐBSCL được đầu tư hệ thống giao thông gấp nhiều lần của mấy chục năm về trước. Cùng với đó, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics… cũng được đẩy mạnh đầu tư. Những trục giao thông thủy, bộ và những trục kinh tế dọc, ngang sẽ là điều kiện thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với ĐBSCL. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo, ĐBSCL cần thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu DN để tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội mới.

An Giang đón thời cơ

Nỗ lực đầu tư cho vùng ĐBSCL cũng giúp An Giang giải tỏa “điểm nghẽn” lớn nhất, chính là giao thông. Trong đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng không chỉ là đột phá về giao thông trục ngang của vùng ĐBSCL, mà còn nối hàng hóa từ vùng biên giới An Giang xuống cảng biển Trần Đề.

Với quy hoạch Trần Đề thành cảng nước sâu mang tầm quốc tế, nông sản của An Giang cũng như vùng ĐBSCL sẽ rút ngắn được quãng đường di chuyển, giảm chi phí, tăng chất lượng và tính cạnh tranh khi xuất khẩu qua cảng Trần Đề, thay vì phải lên Tân Cảng Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, “bệ đỡ” nông nghiệp, điều kiện phục hồi kinh tế và nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông là nền tảng, là điều kiện, là động lực to lớn để tạo lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, An Giang tiếp tục đặt DN, nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh xác định cải thiện môi trường đâu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

“Lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nguyên tắc “trách nhiệm, hành động, minh bạch, chuẩn xác, tập trung”. Đồng thời, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp với việc nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể để tiến hành mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN