Vị trí thứ hạng giáo dục Đại học Việt Nam so với thế giới

17/08/2018 - 14:31

Việt Nam có 2 trường đại học lot top 1.000 trường của thế giới và có 5 trường lot top 400 của châu Á.

Ngày 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng.

Trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh.

"Chính phủ chỉ mang tính định hướng trong việc tự chủ đại học, còn lại các trường sẽ tự chọn hướng đi cho mình, tự chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước chính sinh viên của mình"

Ông Dilip Parajuli, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ông Dilip Parajuli, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thống kê, hiện nay Việt Nam xếp hạng thứ 84/137 về chất lượng giáo dục đại học và có 2 trường đại học lot top 1.000 trường của thế giới (ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và 5 trường lot top 400 của châu Á. Theo đó ông Ditlip Parajuli đánh giá, xếp loại của Việt Nam thuộc hàng thấp so với chính khu vực và thế giới.

Quang cảnh hội thảo

Theo ông Dilip Parajuli, nguyên nhân chính của thứ hạng thấp này là do các chính sách đang kìm hãm sự “bùng nổ” của các trường đại học. Nên cởi bỏ “chiếc áo rập khuôn” trong việc quản lí về mặt tài chính và hành chính trong các trường phát triển.

“Việc tiếp cận và đánh giá này thì không nên có trong luật mà chỉ là một cách để các trường cần làm để vừa nâng cao vừa làm vấn đề hướng đi phát triển cho chính các trường. Đồng thời, Chính phủ chỉ mang tính định hướng trong việc tự chủ đại học, còn lại các trường sẽ tự chọn hướng đi cho mình.

Các trường sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước chính sinh viên của mình cho nên các trường đừng rụt dè, hãy mạnh dạn xin tự chủ để nâng cao chất lượng và thứ hạng cho mỗi trường nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung”, ông Parajuli chia sẻ thêm. Với hơn 70 tham luận của các tác giả/nhóm tác giả trong và ngoài nước, hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, giáo dục ĐH là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục ĐH giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước. Tuy nhiên, giáo dục ĐH Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

“Dù đã có những kết quả nhấn định nhưng nhận thức và thực trạng các chính sách cụ thể trong GDĐH vẫn còn phân tán và ý kiến khác nhau. Do đó cần tạo ra diễn đàn để cùng nhau trao đổi, thảo luận và đề xuất các ý tưởng, chính sách cho GDĐH”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói.

Theo HÀ PHƯỢNG (PLO)