Vào tháng 10/2020, nhà sưu tập Pablo Rodriguez-Fraile ở Miami (Mỹ) đã chi gần 67.000 USD cho một đoạn video nghệ thuật dài 10 giây. Mới đây, anh bán lại thành công đoạn video này với giá 6,6 triệu USD.
Đoạn video là tác phẩm của hoạ sỹ kỹ thuật số Beeple, tên thật là Mike Winkelmann. Quan trọng hơn, video được xác thực bằng blockchain, dùng như một chữ ký điện tử để chứng nhận tác phẩm gốc và ghi nhận chủ sở hữu.
Đây là một loại tài sản độc bản kỹ thuật số mới, phát triển phổ biến trong thời kỳ đại dịch, khi mà những nhà sưu tập cũng phải hoạt động trực tuyến. Nếu không có công nghệ blockchain, tác phẩm số thông thường có thể bị sao chép dễ dàng.
“Bạn có thể đến bảo tàng Louvre và chụp một bức ảnh của nàng Mona Lisa, nhưng bức ảnh chụp sẽ không có bất kỳ giá trị nào. Tác phẩm có giá trị bởi nguồn gốc và lịch sử đằng sau nó”, Rodriguez-Fraile giải thích.
Bên cạnh tác phẩm nghệ thuật độc bản, khái niệm tài sản số độc nhất còn bao gồm ID ví tiền điện tử, hay tên miền trên Internet...
OpenSea, nền tảng thị trường cho tài sản độc bản, chia sẻ rằng doanh thu hàng tháng của họ đã tăng lên 86,3 triệu USD vào tháng 2, so với mức 8 triệu USD trong tháng 1. Doanh thu hàng tháng một năm trước của nền tảng này chỉ ở mức 1,5 triệu USD.
Vừa qua, tổ chức đấu giá Christie’s ở Anh cũng vừa tung ra một tác phẩm độc bản khác của Beeple, bức ảnh ghép từ 5.000 tấm ảnh. Giá bức ảnh đã được trả lên đến 3 triệu USD, trong khi thời hạn đấu giá còn đến 11/3.
Vừa qua, tổ chức đấu giá Christie’s ở Anh vừa tung ra một tác phẩm độc bản của Beeple, bức ảnh ghép từ 5.000 tấm ảnh. Giá bức ảnh đã được trả lên đến 3 triệu USD, trong khi thời hạn đấu giá còn đến 11/3.
Để hỗ trợ tiền mật mã dựa trên công nghệ blockchain trở nên phổ biến hơn, Christie’s chấp nhận thanh toán bằng đồng Ethereum bên cạnh tiền truyền thống.
Tất nhiên, các nhà sưu tầm cũng được cảnh báo về hiện tượng “bong bóng” của thị trường tác phẩm nghệ thuật độc bản. Khi cơn sốt lắng xuống, mức giá các tác phẩm sẽ không cao ngất ngưởng như hiện tại.
Theo ANH HÀO (Vietnamnet)