Việc làm cho phụ nữ nông thôn

08/02/2023 - 06:47

 - Có công việc vừa sức, được ở gần nhà để tiện chăm sóc gia đình và kiếm được thu nhập ổn định là điều mà nhiều lao động nữ ở vùng nông thôn mong muốn. Bên cạnh việc chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể quan tâm, tổ chức nhiều lớp dạy nghề, nhiều nữ lao động ở các địa phương còn chủ động học nghề và có cách tiếp cận nghề khác nhau để có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Nhiều lao động nữ có được việc làm ổn định ngay tại địa phương

Trước đây, chị Nguyễn Thị Thắm (51 tuổi, ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chuyên làm nghề dặm lúa, làm cỏ mướn mỗi khi vào vụ. Công việc tuy cũng kiếm được thu nhập, nhưng chỉ làm thời vụ trong vài ngày nên không ổn định. Hơn 4 năm trước, thấy cơ sở chế biến đồ chay ở gần nhà tuyển lao động, chị Thắm đã xin vào làm công nhân. Công việc không quá khó, trong thời gian học ngắn, chị đã rành nghề và có được mức thu nhập ổn định.

Chị Thắm cho biết, khi mới vào làm, được hướng dẫn thực hiện các công đoạn sản phẩm, lương được hưởng theo sản phẩm làm xong trong ngày. Đến làm, chị còn được hỗ trợ bữa ăn trưa, đến chiều xong việc sớm, mọi người đều được nghỉ về với gia đình. Công việc vừa sức, mỗi ngày giúp chị Thắm cũng như các công nhân ở cơ sở kiếm được thu nhập từ 150.000-200.000 đồng, phụ giúp rất nhiều cho kinh tế gia đình.

“Vợ chồng chỉ có vài công đất trồng lúa, thu nhập không đáng kể. Hồi trước, chồng thì làm ruộng nhà, tôi nhận đi dặm lúa thuê ở mấy xã lân cận. Giờ cũng có tuổi, không làm được việc nặng nhọc, may mắn tìm được việc làm gần nhà như vầy rất mừng. Tính ra, cơ sở chỉ nghỉ những lúc cúp điện nên mỗi tháng kiếm được 5-6 triệu đồng, đâu có phát sinh thêm chi phí gì nên cuối tháng lãnh ra bao nhiêu là còn nguyên, mừng lắm” - chị Thắm giải thích.

Cùng làm chung với chị Thắm, chị Nguyễn Thị Kiều Loan (ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân) tiếp lời: “Hồi trước, tôi đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, lương mỗi tháng được 4 triệu đồng mà làm sai một chút là chủ la ghê lắm, thành ra mình cũng áp lực. Từ lúc nghỉ về quê, vào làm ở đây thấy thoải mái hơn, mọi người nói chuyện rất dễ chịu, công việc nhẹ nhàng, không cần làm quá sức. Đồ ăn, thức uống đều được lo sẵn, hơn hết là được ở gần nhà nên tiện chăm sóc chồng con. Tôi mà biết công việc này sớm là về làm lâu rồi, chớ làm ở xa nhà, dù lương bổng có nhiều, nhưng chi phí chi tiêu cũng cao. Cuối tháng, dù chắt mót lắm cũng không dư bao nhiêu, mà phải sống xa nhà, xa quê, buồn lắm”. Có công việc gần nhà, chị Loan được sống gần gia đình, hôm nào tranh thủ làm luôn cả buổi trưa, hết việc sớm được về sớm để nghỉ ngơi.

Quê ở huyện Chợ Mới, chị Trần Thị Trang đến làm việc tại cơ sở chế biến tàu hũ ky ở huyện Phú Tân hơn 3 năm nay. Chị là thợ chính đứng trực tiếp vớt tàu hũ ky. Chị Trang cho biết, tùy theo lượng hàng được đặt nhiều hay ít sẽ có mức thu nhập tương ứng, nếu làm tốt thì được thưởng thêm, nhờ vậy mà đa số công nhân ở cơ sở đều có thu nhập ổn định. Tại chỗ làm của chị Trang, để giữ nhân công, chủ cơ sở còn cất nhà tập thể cho công nhân ở và làm việc. Mỗi người sẽ phụ trách từng công đoạn khác nhau, chẳng hạn như ngâm và xay đậu nành, điều chỉnh lò nhiệt, thợ vớt váng đậu, đóng gói, vận chuyển…

Những ngày rằm lớn trong năm hoặc chuẩn bị hàng bán Tết Nguyên đán, cơ sở đều làm việc hết công suất. Thợ đứng lò vớt hết chảo này đến chảo khác. Lúc này đa số công nhân thường làm thêm giờ, sẽ được trả tiền thêm, làm giỏi, đạt năng suất còn được thưởng tiền đều cho cả tổ làm hôm đó. “Tùy theo công việc, thời gian làm mà mỗi người sẽ nhận mức thu nhập từ 150.000-300.000 đồng/ngày. Tuy công việc phải đứng nhiều và làm liên tục nhưng thu nhập mang lại rất ổn định. Cả 2 vợ chồng đều gắn bó với chỗ làm này mấy năm nay” - chị Trang chia sẻ.

Sáng tranh thủ thức sớm, lo việc nhà cửa, chở con đi học xong là chị Nguyễn Thị Hồng Loan (ngụ thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân) ghé chỗ làm để bắt đầu công việc cho ngày mới. Với công việc làm thực phẩm chay, mỗi giờ chị Loan được trả 20.000 đồng, trung bình mỗi ngày làm 10 tiếng, kiếm được 200.000 đồng. “Hồi trước, con còn nhỏ nên phải ở nhà giữ con, nay đủ tuổi vô mẫu giáo nên tôi cho đi học rồi xin vào đây làm. Thuận tiện nhất là sáng đi làm cũng tiện đường đưa con đến trường, chiều xong việc kịp giờ đón luôn. Mỗi tháng kiếm thêm được 5-6 triệu đồng, chi tiêu trong gia đình thoải mái hơn so với trước đây” - chị Loan giải thích.

Đa số những phụ nữ ly nông, ly hương tìm về các đô thị lớn để mưu sinh, nhưng vẫn luôn muốn tìm cơ hội việc làm ngay ở chính quê nhà. Vì vậy, việc có thêm nhiều cơ hội để nữ lao động tiếp cận với các ngành nghề mới, việc làm ổn định, việc làm thời vụ trong thời gian nhàn rỗi giúp chị em có thêm thu nhập là rất cần thiết. Đây là nhu cầu thường xuyên, cấp thiết, đồng thời là yêu cầu cần giải quyết trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay. 

ÁNH NGUYÊN