Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. (Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)
Hành trình 77 năm qua của Việt Nam - đất nước hình chữ S - là bước chuyển mình ấn tượng, vươn lên vị trí của một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Canada Paul Thoppil đã bày tỏ sự cảm phục như vậy khi đánh giá về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam suốt 77 năm qua.
Đây cũng là ấn tượng của nhiều người nước ngoài trước những thành quả Việt Nam đạt được trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và đại dịch COVID-19 tác động tới toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất ra tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ.
Trong giai đoạn 2002-2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh xuống còn dưới 2% từ mức hơn 32% của năm 2011.
Kinh tế Việt Nam ghi nhận những bước tiến không chỉ về lượng mà cả về chất khi khẳng định được sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng mà đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ nhất.
Vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch, Việt Nam đã hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế trong năm 2021, trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.
Theo bà Valeria Vershinina, chuyên gia Việt Nam học công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga, bất chấp những “sóng gió” của kinh tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được hoạt động kinh tế đối ngoại và động lực tăng trưởng tích cực kể cả trong điều kiện đại dịch toàn cầu và áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Chuyên gia Vershinina khẳng định Việt Nam được giới học giả quốc tế xem là “cường quốc tầm trung.”
Trong khi đó, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, vượt lên từ đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội.
Đại sứ Steil gọi Việt Nam là ví dụ tích cực để các nước trên thế giới học tập kinh nghiệm về chiến lược ứng phó với COVID-19 trong khi duy trì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Sau 77 năm quốc khánh, Việt Nam đã vươn mình từ một nền kinh tế nghèo bậc nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. (Ảnh: Vietnam+)
Đánh giá về con số tăng trưởng GDP quý 2/2022 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 11 năm và vượt xa dự báo trước đó là 5,9%, giới phân tích dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng cả năm sẽ đạt kết quả cao.
Ngân hàng UOB của Singapore cho rằng tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam là 7% nếu COVID-19 không gây thêm gián đoạn nghiêm trọng.
Về dài hạn, kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất vào năm 2030.
Việt Nam cũng khẳng định là một trong điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan chia sẻ: “Không mấy ngạc nhiên khi Việt Nam đang đi đầu trong sự chuyển đổi đầu tư trên thế giới. Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc các quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành “động cơ tên lửa đẩy” cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo phân tích, cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.”
Theo mạng tin tradefinanceglobal.com, trong thập niên qua, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines) nhờ chi phí lao động thấp hơn, tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị.
Mới đây, Apple thông báo lần đầu tiên trong lịch sử, các sản phẩm Macbook và Apple Watch sẽ được sản xuất thông qua Luxshare Precision Industry và Foxconn tại Việt Nam. Apple cũng đã chuyển 11 nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam.
Tập đoàn Samsung vừa khởi công xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD, đồng thời có kế hoạch mở rộng các nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Về du lịch, dữ liệu từ Google Destination Insights đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu về lưu trú gia tăng trong năm 2022.
Theo HSBC, sau khi Việt Nam mở cửa du lịch từ tháng 3 vừa qua, việc có trên 600.000 lượt du khách nước ngoài tới Việt Nam trong nửa đầu năm nay là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự phục hồi kinh tế đất nước.
Báo cáo mới của Fitch Solution cho biết lĩnh vực du lịch Việt Nam dự kiến đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD vào năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Những thành tựu kinh tế tạo động lực cho phát triển, thúc đẩy giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện theo bước tiến của nền kinh tế. Theo bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống toàn cầu năm 2021 xét trên nhiều tiêu chí như chi phí cuộc sống, sự ổn định kinh tế-chính trị, môi trường làm việc, bình đẳng thu nhập… do tạp chí CEOWORLD (Mỹ) công bố tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã tăng 39 bậc sau 1 năm.
Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước có Chỉ số Phát triển con người (HDI) ở mức cao.
Cùng với đó, bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) và hệ số Gini (35,7) là thước đo bất bình đẳng của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019.
Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.
Người dân đến đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm chủng xã Tà Tổng, Mường Tè (Lai Châu). (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Những thành quả này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhờ vậy, xếp hạng vị trí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tăng từ vị trí 88/149 nước năm 2016 lên vị trí 51/165 nước năm 2021.
Đặc biệt, nỗ lực kiểm soát đại dịch của Việt Nam trong 2 năm qua được đánh giá là rất thành công.
Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nêu rõ Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới về chống dịch khi đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.
Bà Rana Flowers lưu ý: “Thành công của việc tiêm vaccine tại Việt Nam không chỉ là những con số mà còn là những người dân được cứu sống, họ không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng về kinh tế-xã hội.”
Điều đó cũng thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Ấn tượng với quyết tâm của Việt Nam thực hiện mục tiêu kép trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; trong đó luôn đặt người dân ở trung tâm, cam kết bảo đảm quyền con người, bà Kanni Wignaraja chia sẻ Việt Nam “sẽ cho thế giới thấy cách của riêng mình để đảm bảo sự tiến bộ không chỉ cho một vài, mà là tất cả mọi người.”
Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội và đảm bảo quyền con người mà Việt Nam đạt được trong 77 năm qua đã hiện thực hóa mục tiêu mà cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử hướng tới, đó là xây dựng một xã hội phát triển thực sự vì con người.
Đây cũng là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục vươn xa trên con đường đổi mới và hội nhập./.
Theo Vietnam+