Việt Nam đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu xanh ở khu vực ASEAN

20/06/2022 - 19:02

Lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.

Tổ chức sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiatives - CBI) và Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo ASEAN Sustainable Finance - State of the Market 2021.

Đáng chú ý, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua.

Dữ liệu báo cáo cho thấy thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021.

Lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020; và nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng này được cho là đã phản ánh tinh thần tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục đích ứng phó với đại dịch COVID-19, bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp trong dài hạn.

Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.

Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Hai giao dịch lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vinpearl và khoản vay xanh 400 triệu USD của VinFast (giá trị tại thời điểm công bố giao dịch tháng 12 năm 2021. Giao dịch nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, giúp tăng quy mô khoản vay lên 500 triệu USD khi giao dịch đóng sổ).

Theo HSBC, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn các ngân hàng phát triển là nhóm phát hành lớn thứ hai.

Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số sửa đổi quan trọng; trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Việt Nam đang phát triển hệ thống phân loại được ban hành cùng với bộ luật, dự kiến được ban hành vào năm nay.

Bên cạnh đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon.

Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, tất cả các loại hình tài chính bền vững đều hướng tới đích đến chung là giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt cân bằng phát thải carbon vào năm 2050, theo cam kết Việt Nam công bố tại COP26.

Đại diện HSBC Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường tài chính bền vững đang tăng trưởng tại Việt Nam và ASEAN, song nhu cầu triển khai vốn tài trợ nhằm giảm thiểu và giúp các nước thích nghi với biến đổi khí hậu vẫn còn rất cao. Việc huy động tài chính sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp vốn rất cần thiết để đạt được các mục tiêu theo Hiệp định Paris cũng như giảm thiểu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra cho khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.

Tuy vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khu vực ASEAN có thể đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.

Theo ông Sean Kidney, Tổng Giám đốc CBI, một số chính sách trong khu vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của tài chính bền vững ở ASEAN và có thể thấy rõ nhận thức về rủi ro khí hậu đã được nâng cao cả từ phía các nhà làm chính sách lẫn nhóm nhà đầu tư.

Dẫu vậy, vẫn còn đó một khoảng trống cần được sớm lấp đầy. Các ngành phát thải nhiều và khó thay đổi phải nhanh chóng chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh." Đó là những hoạt động, tài sản và dự án liên quan đến năng lượng, công nghiệp sản xuất nặng và nông nghiệp.

"Những sáng kiến ở phạm vi quốc gia như Green Financial Industry Taskforce (nhóm chuyên trách công nghiệp tài chính xanh - GFIT) của Singapore là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhanh hơn để những khu vực dễ bị tổn thương như ASEAN bớt bị ảnh hưởng trước hậu quả của biến đổi khí hậu," Tổng Giám đốc CBI chia sẻ./.

Theo H. CHUNG (TTXVN/Vietnam+)