Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tham gia trình bày và trao đổi về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước Chống tra tấn tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, đưa ra ngày 15-11, ngày làm việc thứ 2 trong khuôn khổ phiên trình bày và trao đổi về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (còn gọi là Công ước chống tra tấn).
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thay mặt đoàn công tác liên ngành Việt Nam phát biểu trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc, Thượng tướng Lê Quý Vương đã nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong phòng, chống tra tấn và cập nhật những thông tin mới từ thời điểm nộp báo cáo (tháng 12-2017) đến nay.
Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng loạt việc thực thi Công ước trên toàn quốc, trong đó có việc xây dựng, ban hành Đề án phổ biến nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; mục tiêu là nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam có liên quan về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân nói chung.
[Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn]
Bộ Công an Việt Nam cũng đã triển khai thí điểm việc tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự tại 45 cơ sở và dữ liệu ghi âm, ghi hình được coi là một phần của hồ sơ vụ án hình sự; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ, các cán bộ điều tra, điều tra viên, quản giáo, cán bộ quản lý trại giam, trại tạm giam, cán bộ làm công tác hỗ trợ tư pháp, kiểm sát viên, thẩm phán; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đặc biệt là các vi phạm pháp luật hình sự có liên quan đến tra tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài trong phòng, chống tra tấn, thông qua việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn; tham gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt là lực lượng công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.
Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về chống tra tấn đã diễn ra trong không khí nghiêm túc, đối thoại và chia sẻ.
Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các thành viên Ủy ban tiếp tục khuyến nghị Việt Nam nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật, mời thêm các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng nhân quyền…
Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam đã trả lời các câu hỏi mà các thành viên của Ủy ban chống tra tấn nêu trong cuộc đối thoại và cũng nêu những khó khăn trong việc thực thi Công ước; nghiêm túc ghi nhận các khuyến nghị để có các phương hướng thực thi tốt hơn Công ước trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban chống tra tấn, ông Jens Modvig, chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc và trình bày, trao đổi, đối thoại về báo cáo quốc gia lần thứ nhất về việc thực thi Công ước.
Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước chống tra tấn. Thượng tướng Lê Quý Vương một lần nữa nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, tiến hành những bước đi chất lượng, vững chắc trong ngăn ngừa và trừng trị mọi hành vi vi phạm quyền con người nói chung và có liên quan đến tra tấn nói riêng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên có báo cáo được Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc xem xét và thảo luận tại phiên họp lần thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn, diễn ra từ ngày 12-11-7-12. Ủy ban chống tra tấn bao gồm 10 chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện Công ước chống tra tấn của các quốc gia thành viên.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn bao gồm các thành viên là đại diện của các Bộ, ngành Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao: và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987. Việt Nam ký kết Công ước chống tra tấn ngày 7-11-2013. Ngày 28-11-2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 17-3-2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Theo VIETNAM+