Phiên họp mở đầu cho chặng đường mới
Chiều ngày 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (gọi tắt là Ủy ban); Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban; cùng 10/16 Ủy viên Ủy ban.
Tại phiên họp, Bộ TT&TT – cơ quan thường trực của Ủy ban đã công bố Quyết định 1619 ngày 24/9 của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Sau kiện toàn và có tên gọi mới, Ủy ban gồm có 16 thành viên, với Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, có ý nghĩa hết sức quan trọng: “Chúng ta vừa mở đầu cho một giai đoạn mới, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong đó đã xác định việc rất quan trọng là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.
Chỉ rõ chuyển đổi số là nhu cầu, đòi hỏi khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh phải tổ chức thực hiện chuyển đổi số sao cho thực sự hiệu quả, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay là khôi phục và phát triển kinh tế xã hội cộng với phòng chống dịch.
Trên cơ sở phiên họp đầu tiên, cần có một chương trình hành động, kế hoạch làm việc, và phương pháp tổ chức công việc thực sự khoa học, hiệu quả, không hình thức, màu mè, không đề cao lợi ích của đơn vị, cá nhân nào, mà tất cả là vì cái chung.
Cần tầm nhìn xa, cách tiếp cận Việt Nam
Trong báo cáo đề dẫn thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban đã cho thấy rõ sự quan tâm, sự cam kết mạnh mẽ của Người đứng đầu Chính phủ đối với công cuộc chuyển đổi số ở nước ta.
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 là cú huých mạnh mẽ cho chuyển đổi số. Họp, học trực tuyến và ứng dụng công nghệ số đã diễn ra rất nhanh trên toàn quốc, động chạm đến cùng một lúc hàng chục, hàng trăm triệu người dân. Tuy nhiên, cách tiếp cận, cách làm vẫn rời rạc như thời công nghệ thông tin (CNTT). Đã nảy sinh các vấn đề về kết nối, liên thông giữa các bộ, ngành, các địa phương. Công nghệ thì nơi dùng, nơi không, lúc dùng lúc không. Dữ liệu không được cập nhật, thiếu chính xác. Nhiều vấn đề đã lộ ra và chúng ta đã nhanh chóng khắc phục. “Nhiều bài học rút ra trong thời gian qua sẽ là hành trang quan trọng để chúng ta chuyển đổi số”, Bộ trưởng chia sẻ.
Từ thực tế trên, người đứng đầu Bộ TT&TT đã nêu quan điểm về sự thay đổi nhận thức, cách tiếp cận và cách làm khi thực hiện chuyển đổi số thời gian tới, nhất là trong so sánh với cách làm CNTT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Hải
Nếu ứng dụng CNTT là công việc chủ yếu của giám đốc CNTT thì chuyển đổi số lại là công việc chủ yếu của người đứng đầu. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, và tiếp theo, Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của các bộ ngành và địa phương sẽ phải do Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh đứng đầu.
Nếu ứng dụng CNTT là số hóa các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hóa theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các quy trình hoặc vận hành của tổ chức, thì chuyển đổi số là số hóa theo chiều ngang, là số hóa toàn bộ tổ chức, và tiếp theo là thay đổi quy trình, cách vận hành của tổ chức.
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số. Đối với các mô hình mới chưa có quy định thì cho phép thử nghiệm có kiểm soát, và để đẩy nhanh việc cho phép này thì Chính phủ sẽ ban hành một khung thể chế về việc làm thí điểm. Chính phủ cũng phải đi đầu về chuyển đổi số chính hoạt động của mình. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho chuyển đổi số thì sẽ tạo ra thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của chuyển đổi số. Đó sẽ là những cú huých quan trọng cho chuyển đổi số thành công tại Việt Nam”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa; Giải pháp đột phá để đẩy nhanh chuyển đổi số là các nền tảng số quốc gia Việt Nam; Dự án chuyển đổi số cần được tiếp cận như một dự án đầu tư kinh doanh, tức là giá trị mà dự án chuyển đổi số tạo ra phải lớn hơn chi phí bỏ ra, các giá trị hữu hình và vô hình đều phải được đánh giá; Truyền thông đóng vai trò tiên quyết trong thúc đẩy chuyển đổi số; Điều kiện tiên quyết đầu tiên của xã hội số là mỗi người có 1 smartphone và mỗi hộ gia đình 1 đường Internet cáp quang; Chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số...
“Chuyển đổi số cần một tầm nhìn xa, cách tiếp cận Việt Nam, công cụ đo lường đánh giá, một kế hoạch cụ thể hàng năm, và một số chính sách có tính đột phá. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cần bàn bạc và thống nhất về những vấn đề trên”, Bộ trưởng đề xuất.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày Dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022. Bản dự thảo này nêu ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương cần tập trung các nguồn lực để triển khai trong năm 2022.
Thứ trưởng Dũng cho biết, có 53 chỉ tiêu được nêu ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần được tổ chức triển khai đồng bộ ngay từ năm 2022. Tuy nhiên, Dự thảo Chuyển đổi số năm 2022 đề xuất 18 chỉ tiêu quan trọng cần ưu tiên nguồn lực triển khai trong năm tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày Dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022. Ảnh: Phạm Hải
Dự thảo kế hoạch đưa ra 42 nhóm nhiệm vụ triển khai trong năm tới, trong đó, đề xuất 18 nhiệm vụ đột phá. “Tinh thần là đặt mục tiêu cao, quyết tâm hành động cao, mỗi nhiệm vụ có một đơn vị chủ trì, có kết quả rõ ràng, có chỉ số đo lường cụ thể. Một số nhiệm vụ đã được cơ quan chủ trì dự toán chi tiết theo quy định, còn đa số nhiệm vụ hiện nay mới là ước tính sơ bộ, cần tiếp tục được rà soát thêm sau”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đề nghị, bên cạnh 18 nhiệm vụ đột phá, các địa phương có thể chủ động đề xuất các sáng kiến có thể triển khai và có khả năng nhân rộng trên toàn quốc. Hiện, đã có 6 địa phương là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình. Bà Rịa Vũng Tàu và Hậu Giang đề xuất các sáng kiến cụ thể.
Cụ thể hóa triển khai chính sách cho địa phương
Tại phiên họp, lãnh đạo nhiều địa phương đã đồng tình và đánh giá cao 18 nhiệm vụ đột phá được nêu ra tại Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số 2022.
“18 nhiệm vụ phát triển đột phá được nêu ra tại Kế hoạch chuyển đổi số 2022 đã bao quát được cả 3 khía cạnh quan trọng là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Trong số 18 nhiệm vụ năm 2022 được nêu ra trong bản kế hoạch, Quảng Ninh đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn như chỉ tiêu phổ biến điện thoại thông minh, phổ cập hồ sơ sức khỏe toàn dân, giáo dục trực tuyến, triển khai hóa đơn điện tử…. Tuy nhiên, đại diện địa phương này cũng cho rằng, cần có thêm hướng dẫn chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, nhân lực về chuyển đổi số.
18 nhiệm vụ đột phá được nêu ra tại Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số 2022. Ảnh: Phạm Hải
Rà soát các chính sách quản lý chi phí trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số; xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn cho các địa phương không chỉ trong lĩnh vực đầu tư mà còn quản lý, vận hành các hệ thống cho chuyển đổi số để tạo ra sự minh bạch cũng như động lực trong vấn đề đầu tư.
Lãnh đạo Đà Nẵngcũng chia sẻ quan điểm chuyển đổi số là động lực, cơ hội để tạo ra đột phá. Đà Nẵng đã và đang triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và có những hiệu quả bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số như: gần 100% thủ tục hành chính đã triển khai ở mức 3, 4. Trong đó hơn 90% ở mức 4; ứng dụng công nghệ dữ liệu trong công tác phòng chống dịch.
Đà Nẵng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư, tài nguyên môi trường..) kết nối, chia sẻ cho các địa phương). Đồng thời, cần cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển hạ tầng cũng như phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Quản trị thông minh dựa trên cơ sở dữ liệu
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thành công đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số của Bộ Công an chính là quản trị thông minh, quản lý dân cư phục vụ cho tiện ích xác thực định danh điện tử cho mọi người dân.
Tháng 7/2021, Bộ Công an đã chính thức đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng và là tài nguyên quốc gia, là dữ liệu gốc phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số xã hội số.
Theo chia sẻ của người đứng đầu Bộ Công an, đến nay, cơ quan này đã thống kê đầy đủ hơn 98 triệu nhân khẩu trên toàn quốc. Con số thống kê này cập nhật và chính xác hơn so với tổng điều tra dân số. Bộ Công an cũng đã xác thực bảo hiểm xã hội cho trên 35 triệu công dân; cấp trên 6,5 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh và kết nối, xác thực hơn 20 triệu dữ liệu đã được tiêm chủng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Hải
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nền nông nghiệp nước ta từ thói quen phỏng đoán, ước chừng, cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa. “Trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Để có thể tiếp tục xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối xác thực, cung cấp kết nối thông tin để làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Khi kết nối liên thông, tương tác với cơ sở dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành địa phương và các cơ quan quản lý lưu ý cần đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn cho hệ thống dữ liệu. Ngoài ra, khi chuyển sang quản trị số, xã hội, số thì pháp luật cũng phải thay đổi theo. Do đó xây dựng hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu quản trị số, xã hội số để phục vụ thực thi pháp luật được nghiêm túc hơn.
Xung lực mới và hành động mạnh mẽ
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Ủy ban có tên gọi mới nhưng đây vẫn là quá trình liên tục và kế thừa các nội dung cốt lõi. Trong đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ quan trọng nhất đó là: Cơ sở dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy thanh toán, giao dịch điện tử theo hướng thiết thực và minh bạch hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nhiệm kỳ Ủy ban mới cố gắng làm theo xu thế và có những xung lực, cách làm mới. Đặc biệt là phải rất kỷ cương.". Ảnh: Phạm Hải
Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2022, cần kiên trì mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đặc biệt các dịch vụ công liên quan đến nhiều người dân (y tế, giáo dục, lĩnh vực lao động - xã hội).
Về xây dựng cơ sở dữ liệu, hiện đã có cơ sở dữ liệu người dân, doanh nghiệp tương đối tốt. Tuy nhiên, nhóm cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên vẫn còn yếu. “Nhóm cơ sở dữ liệu này hiện còn rất manh mún. Do đó, phải đặt mục tiêu sớm hoàn thành. Nếu làm được 3 cơ sở dữ liệu này thì sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Về vấn đề khai thác cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải theo kỷ cương. “Nguyên tắc ở đây là dùng chung, cơ sở dữ liệu là của Chính phủ, Nhà nước giao cho các bộ, ngành. Để người dân chỉ khai một lần, có như vậy mới thúc đẩy được người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Không thể không làm, không thể đứng ngoài
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ TT&TT nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2022 một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, sát thực tế, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc.
Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ trung ương tới cấp cơ sở. Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. “Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng nói.
Khi thực hiện phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. “Chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác công – tư trong chuyển đổi số; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho xã hội để phục vụ chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, Thủ tướng nói và lưu ý, cần nâng cao nhận thức. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó. Đồng thời, tải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số.
Giao các công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý 6 điểm chính. Trong đó có: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu; triển khai chương trình phát triển công dân số; hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi.
Các địa phương, các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau trong chuyển đổi số, “tránh tình trạng cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy”. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết, chứ không vì lợi ích của cá nhân, của ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào.
Về Kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá.
Theo VÂN ANH - DUY VŨ (Vietnamnet)