Việt Nam là nơi có lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh. Ảnh: DW
Lần đầu tiên Apple chuyển một phần sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc, đến các nhà máy ở Việt Nam, Nikkei Asia đưa tin trong tuần này.
Diễn biến này diễn ra khi thành phố Thượng Hải của Trung Quốc phong tỏa kéo dài nhằm chống đại dịch COVID-19, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ khác nhau, khiến nhà sản xuất iPhone phải tìm các giải pháp thay thế.
Theo Nikkei Asia, một nhà máy lắp ráp iPad đã xây dựng dây chuyền tại Việt Nam. Apple đã tìm nguồn cung ứng tai nghe Airpod từ Việt Nam, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong hai thập kỷ qua.
Kể từ khi tiến hành các cải cách kinh tế trong những năm 1980, Việt Nam đã mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã trở thành một điểm đến ưa thích của các ngành sản xuất gia công.
Việt Nam nổi lên đặc biệt sau năm 2007 khi một số hãng may mặc và đóng giày chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Nhưng điểm mà Việt Nam thực sự nổi bật trong thập kỷ qua là khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nhà máy lắp ráp và sản xuất các sản phẩm công nghệ từ điện thoại thông minh đến linh kiện TV.
Theo một nghiên cứu, Hàn Quốc và Nhật Bản - đều là nhà sản xuất của một số sản phẩm công nghệ lớn nhất - chiếm 376 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2020.
Đó là một điểm nhấn thu hút những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Apple khi các chiến dịch phong tỏa liên quan đến COVD-19 buộc các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, làm gián đoạn chuỗi cung ứng phức tạp.
Tác động đáng chú ý nhất là do chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc, đã dẫn đến việc phong tỏa nghiêm ngặt ở một số thành phố lớn của nước này. Vì các nhà sản xuất đa ngành đều phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc, nên việc phong tỏa đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của họ.
Điều này đã khiến một số chuyên gia thúc đẩy khái niệm "Trung Quốc +", trong đó Việt Nam chính là sự lựa chọn, với các cảng biển và đường sắt đang hoàn thiện, được coi là một giải pháp thay thế cho các trung tâm sản xuất của Trung Quốc.
Năm ngoái, tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc đã đầu tư hơn một 1 USD để tăng cường sản xuất màn hình OLED của mình tại thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam.
Ngay cả trước khi chuỗi cung ứng liên quan đến COVID-19 bị gián đoạn, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty công nghệ chuyển sản xuất sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
Theo phân tích của Nomura - một ngân hàng đầu tư Nhật Bản, nền kinh tế Việt Nam đã tăng gần 8% do sự chuyển dịch sản xuất trong thời kỳ chiến tranh thương mại.
Samsung đã chiếm 1/4 xuất khẩu của Việt Nam. Intel đã thành lập nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của mình ở đó.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng hai con số trước khi đại dịch gây ra gián đoạn trên toàn cầu.
Tất cả những điều này đã giúp Việt Nam, với dân số khoảng 100 triệu, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì trong khoảng 5-8% từ năm 2000 đến năm 2018, nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định, nhưng Việt Nam đang phải nỗ lực để nâng cao GDP bình quân đầu người.
Nhiều dự đoán cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt Singapore trong vòng vài năm tới nếu duy trì được quỹ đạo tăng trưởng như hiện nay. Oxford Economics cho biết khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu sẽ đến từ Việt Nam vào năm 2025.
Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)