Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang bắt đầu xu hướng sụt giảm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.111,6 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản...
Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh hoạ)
Cơ hội từ dịch chuyển dòng vốn
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng vào Việt Nam trì hoãn … Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã triển khai, việc tăng vốn đầu tư có thể bị hoãn lại.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vẫn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển FDI tại Việt Nam. Chưa kể, việc đã và đang tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để FDI chảy vào Việt Nam.
Nhóm nhóm nghiên cứu của BIDV cũng nhận định, dịch Covid-19 mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới. Theo các chuyên gia của BIDV, dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hong Kong, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Hai kịch bản thu hút FDI
Trước tác động của dịch Covid-19 đến thu hút FDI, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản thu hút FDI năm 2020. Con số mặc dù thấp hơn so với kịch bản ban đầu, song đều tăng so với năm 2019.
Cụ thể, Kịch bản I: Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I, thu hút FDI năm 2020 ước tính đạt 38,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2019 và giảm 2,7 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu.
Kịch bản II: Nếu dịch kết thúc cuối quý II/2020, con số thu hút FDI ước tính là tăng 6,2% so với năm 2019 và giảm 3,8 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khá nhiều các chuyến xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã bị hủy bỏ. Điều này được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong vài tháng tới.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng cũng tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, một thông tin tích cực vừa được tờ Nikkei Asian Review đăng tải, đó là dịch Covid-19 đang khiến cả Google và Microsoft đều muốn chuyển sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn.
Tờ New York Times cũng dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ có thể được đẩy nhanh hơn do dịch Covid-19.
Theo TRẦN NGỌC (VOV)