Cắt băng khánh thành công trình Ô Tà Sóc
Ký ức tự hào
Dù ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng với ông Nguyễn Phi Thường (Sáu Thường, sinh năm 1946, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Lương Phi, Tri Tôn), những ký ức về thời kỳ ác liệt của Ô Tà Sóc hơn 50 năm trước như mới hôm qua. “12 đồng chí trong đơn vị an ninh vũ trang của tôi đã nằm xuống tại căn cứ Ô Tà Sóc. Sự anh dũng chấp nhận hy sinh của các đồng chí ấy là để chuẩn bị nở hoa nền độc lập. Máu của các liệt sĩ đã tô thắm cho lá cờ chói lọi hôm nay” - ông Sáu Thường bồi hồi xúc động.
Là người tham gia bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy An Giang suốt tuổi thanh xuân, ông Sáu Thường nhớ rất rõ những lần dời căn cứ Tỉnh ủy, từ giai đoạn còn ở Láng Nghễ (Hồng Ngự, Đồng Tháp) về núi Tô, núi Dài (Tri Tôn). Mùa khô năm 1962, khi căn cứ Tỉnh ủy mới dời từ khu vực giếng Cá Phi (vách Ô Cạn của núi Dài, thuộc xã Ba Chúc) về Ô Tà Sóc (ngọn Sà Lôn của núi Dài, xã Lương Phi), địch tổ chức cuộc càn quét với quy mô 10.000 quân, có xe tăng, xe bọc thép M113, pháo binh, máy bay yểm trợ. “Để bảo tồn lực lượng, ta chuyển xuống đồng tràm tạm lánh. Đến tháng 7-1963, mới trở lại Ô Tà Sóc. Biết nơi đây là cơ quan lớn của ta, thời kỳ 1963-1967, địch thường xuyên ném bom, bắn pháo mật độ cao, thậm chí dùng B52 rải thảm thường xuyên, dùng biệt kích, thám báo dọ thám liên tục. Có thể nói, không còn thứ phương tiện chiến tranh hiện đại nào mà Mỹ không dùng tấn công vào Ô Tà Sóc lúc bấy giờ” - ông Sáu Thường nhớ lại.
Thời kỳ này, lực lượng bảo vệ căn cứ chỉ có 1 trung đội với 30 đồng chí nhưng nhờ anh dũng, mưu trí, phối hợp tốt với các xã vùng kháng chiến nên lần lượt bẻ gãy nhiều trận càn lớn của Mỹ, ngụy. Trong ký ức của Sáu Thường, dấu ấn mà ông vẫn nhớ như in là trận đánh quyết liệt 38 ngày đêm vào tháng 4 đến tháng 5-1967. Địch sử dụng cùng lúc chiến lược “từ dưới đánh lên” (dùng pháo binh bắn phá, bộ binh tấn công liên tục), “từ trên đánh xuống” (dùng máy bay ném bom, thả quân dù số lượng lớn) hòng tiêu diệt căn cứ Ô Tà Sóc. “Được Đại đội 1 của Tiểu đoàn D512 chi viện, ta củng cố lực lượng tại chỗ, sử dụng chiến thuật đợi địch đến gần mới nổ súng thật chính xác. Ta và địch đánh cách nhau 5-7m, cách nhau 1 cục đá, đeo thắt lưng địch mà đánh. Nhờ vậy mà chúng không dám pháo kích vào trận địa. Trong 38 ngày đêm ấy, đã diễn ra hơn 100 trận đánh lớn nhỏ. Ta tiêu diệt 150 tên địch, thu được nhiều vũ khí, bảo vệ được căn cứ Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, bảo đảm an toàn cho 36 người dân trong vùng căn cứ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đau buồn chứng kiến 12 đồng chí trong đơn vị an ninh vũ trang đã anh dũng hy sinh” - ông Nguyễn Phi Thường xúc động.
Tiếp nối truyền thống
Để xây dựng căn cứ Ô Tà Sóc thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng, UBND huyện Tri Tôn đã đầu tư ngân sách và kết hợp Liên đoàn Lao động tỉnh vận động công chức, viên chức, người lao động đóng góp hoàn thành công trình cải tạo và nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, Tri Tôn). Với quảng trường rộng rãi, nhà trưng bày hiện vật phong phú, hội trường ấm cúng, phù điêu được sơn mới, đường bê-tông được xây dựng, nhà vệ sinh lịch sự… Ô Tà Sóc sẵn sàng đón chào đoàn viên, thanh niên, du khách đến tham quan, dã ngoại, tìm hiểu căn cứ cách mạng với những địa danh như: Bụng Ông Địa, Ô Vàng, vồ Út Mười, điện Trời Gầm, đồi Ma Thiên Lãnh… Từ đó, có thể hiểu hơn về bài thơ “Từ Ô Tà Sóc ra Suối Vàng”, do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Nhị sáng tác, trong đó có đoạn: “Ơi Ô Vàng, Ô Tà Sóc vang vinh/ Một phần của tuổi thanh xuân tôi ở đó/ Một thế hệ chúng tôi từng gắn bó/ Ở một vùng lịch sử sẽ đi qua”. Hay đoạn thơ của nhà thơ Nguyễn Điền: “Ô Tà Sóc, hang Trời Gầm/ Thâm u ngàn thuở lừng danh một thời/ Cách mạng về biến núi đồi/ Thành ra chiến lũy thành nơi diệt thù/ Thành ra hai tiếng chiến khu/ Uy nghi núi thẫm thiên thu hồn người”. Các bạn trẻ, du khách sẽ phải nghiêng mình kính cẩn trước hương hồn của 7 chiến sĩ bị kẹt lại trong hang Ma Thiên Lãnh khi đọc lại bài thơ “Ở lại Ô Tà Sóc” của nhà thơ Trần Quang Mùi: “Chiều nay bên dốc núi/ Tôi lặng lẽ cúi đầu/ Thương những người chiến sĩ/ Nằm lại dưới hang sâu…”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, không riêng gì căn cứ Ô Tà Sóc (được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia), địa phương sẽ tiếp tục quan tâm trùng tu, nâng cấp, bảo dưỡng các khu di tích lịch sử cách mạng khác trên địa bàn. “Đó là cách thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn, cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các bậc cha anh đi trước, đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh xương máu để chúng ta có cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay. Từ đó, giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về giá trị lịch sử, thể hiện trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.
Tại Ô Tà Sóc, UBND huyện Tri Tôn sẽ quy hoạch phát triển du lịch sinh thái - lịch sử trong thế liên hoàn với các cụm, tuyến du lịch lân cận trên địa bàn huyện, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Qua đó, vừa phát huy giá trị lịch sử cách mạng, vừa phát triển dân sinh tại vùng đất Lương Phi anh hùng. |
NGÔ CHUẨN