Viettel công bố chipset 5G tại hội nghị di động thế giới
27/02/2024 - 09:24
Viettel giới thiệu chip 5G do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn trình về thiết kế có khả năng tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G.
AA
Tại MWC 2024, Viettel giới thiệu chip 5G DFE do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn trình về thiết kế.
Ngày 26/2, tại phiên khai mạc Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress – MWC 2024) tại Barcelona, Viettel chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ toàn cầu chipset 5G và trợ lý ảo Vi An - Human AI. Đây là 2 trong số 17 sản phẩm đại diện cho hệ sinh thái công nghệ được Viettel giới thiệu tại sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành công nghệ di động năm 2024. Đây là lần thứ 7 Viettel tham gia Hội nghị với vai trò doanh nghiệp công nghệ duy nhất của Việt Nam.
Với chủ đề của sự kiện – Future first (tương lai là trên hết), các sản phẩm của Viettel tập trung vào 4 nhóm: Hạ tầng mạng lưới; cơ sở dữ liệu; nền tảng số và công nghệ trong tương lai.
Loạt sản phẩm được thể hiện tại không gian 2 tầng với chủ đề S-Nation. Chữ S đại diện cho các ý nghĩa: Smart – thông minh, Sustainable – bền vững, và hình chữ S của đất nước Việt Nam.
Tại MWC 2024, Viettel giới thiệu chip 5G DFE do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn trình về thiết kế. Chip 5G DFE của Viettel có khả năng tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của 3GPP – hiệp hội các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động, tương đương chip 5G của top 10 công ty bán dẫn trên thế giới.
Cùng với đó, Viettel giới thiệu hệ thống mạng lưới tự động tối ưu hiệu suất hoạt động, tiết kiệm điện năng và tự động giải quyết sự cố ứng dụng cho cả 5G và 4G, đang được triển khai toàn diện, tối ưu tại Việt Nam và 10 quốc gia Viettel đang đầu tư kinh doanh.
Nhóm hạ tầng lưu trữ, xử lý bao gồm Viettel Cloud – cung cấp các dịch vụ từ hạ tầng lưu trữ/xử lý, nền tảng phát triển ứng dụng và phần mềm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Hệ sinh thái do Việt Nam làm chủ có vai trò bảo vệ chủ quyền số, tạo ra hạ tầng lưu trữ dữ liệu người Việt, doanh nghiệp Việt tại Việt Nam.
Với nhóm sản phẩm ứng dụng/dịch vụ số, Viettel đem đến MWC 2024 các ứng dụng AI tương tác khách hàng, tài chính, giải trí.
Vi An – Human AI đầu tiên của Việt Nam tạo ra cách thức tương tác mới với trí tuệ nhân tạo. Tại MWC, Vi An trò chuyện với khách hàng thân thiện và tự nhiên.
Ngoài ra, nền tảng tài chính số Viettel (VDFP) – hỗ trợ phát triển các ứng dụng tài chính số với tính năng thanh toán không Internet, đưa tài chính số đến các khu vực còn bị hạn chế về kết nối mạng cố định, di động.
Nhóm sản phẩm thay đổi cách con người sử dụng công nghệ trong tương lai bao gồm Digital Twin, tạo ra không gian ảo dựa trên công nghệ AI, IoT và dữ liệu viễn thám. Công nghệ đang được Viettel nghiên cứu và phát triển nhằm tối ưu hóa vận hành đô thị.
Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Đình Chiến chia sẻ: “Tham dự hội nghị lần này, chúng tôi sẵn sàng hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ trên thế giới và chuyển giao công nghệ với các đối tác để cùng nhau tạo nên những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ khách hàng. Đó là điểm khác biệt của Viettel tại sự kiện công nghệ quy mô toàn cầu này”.
Hội nghị Di động Thế giới 2024 (MWC 2024) được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, từ ngày 26/2 – 29/2/2024. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành di động. Sự kiện năm nay có mặt 2.400 doanh nghiệp công nghệ, dự kiến thu hút gần 85.000 khách tham quan trực tiếp
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho rằng, đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả các công đoạn trong các khâu sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng.
Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip.
“Hiện Bộ TT&TT đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch cho Việt Nam. Ban soạn thảo, bao gồm các bên liên quan chính là các bộ, ngành như Bộ KHĐT, Bộ KHCN, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các chuyên gia, hiệp hội đang tổ chức đánh giá thực trạng tại Việt Nam và thế giới, phân tích tiềm năng, phân tích xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghiệp vi mạch Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: