Vĩnh Long cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển

23/03/2024 - 12:21

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau;” không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh."

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 

Sáng 23/3, dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phấn đấu phát triển Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cùng tham dự có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các tổ chức chính trị xã hội, trường đại học, hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long.

Một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 7,0 %/năm. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp-thủy sản chiếm khoảng 26%, công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 25%, dịch vụ chiếm khoảng 45%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 144 triệu đồng (giá hiện hành).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 30-35%. Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

100% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị và 95% tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đúng quy định…

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Tại hội nghị, tỉnh Vĩnh Long giới thiệu về vị trí địa lý; truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng; tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; đồng thời mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Long trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch, nhất là các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết Vĩnh Long cam kết nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công tại tỉnh.

Tại đây, tỉnh Vĩnh Long đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 13 dự án, với tổng mức vốn đầu tư khoảng hơn 19.600 tỷ đồng.

Phát biểu tại sự kiện, đánh giá về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian qua, công tác quy hoạch đã được triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học từ Trung ương đến địa phương với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trên tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.

Đến nay, cả nước đã cơ bản hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch với 109/111 quy hoạch. Trong đó, quy hoạch của Vĩnh Long được ban hành nhằm xử lý 2 nhiệm vụ quan trọng: tìm ra tiềm năng, cơ hội và nhận biết những khó khăn, thách thức, hạn chế để hóa giải, khắc phục.

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Vĩnh Long - tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có truyền thống yêu nước hào hùng; vùng đất địa linh nhân kiệt, con người hài hòa, thân thiện; có nền văn hóa đặc sắc miền Tây; có vùng sông nước, rừng ngập mặn.

Tỉnh có vị trí địa lý kinh tế hết sức thuận lợi, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ; thuận lợi cả đường bộ và đường thủy; có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn; là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước, có tiềm năng phát triển các giống lúa, cây màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển du lịch…

Thủ tướng chỉ rõ những thách thức Vĩnh Long phải khắc phục, như biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn, hạ tầng giao thông phát triển nhưng còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô nền kinh tế nhỏ, tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho sự phát triển kinh tế; chưa có các cơ sở công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp; chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Nhấn mạnh một số nét nổi bật trong trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng chỉ rõ phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh là một trục động lực, hai hành lang kinh tế, ba đột phá phát triển, bốn trụ cột tăng trưởng, năm nhiệm vụ trọng tâm.

Vĩnh Long lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…; đồng thời phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn…, phát triển công nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu để phát triển kinh tế Vĩnh Long theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, toàn diện, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra nông sản.

Cho rằng việc ban hành quy hoạch đã quan trọng nhưng việc thực hiện, đưa quy hoạch vào cuộc sống, phát huy hiệu quả còn quan trọng hơn, Thủ tướng nhấn mạnh muốn triển khai được quy hoạch, Vĩnh Long cần khai thác 6 nguồn lực, điều kiện. Trong đó, nguồn lực quan trọng nhất là từ nội sinh, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, tập trung vào các ngành mới nổi, như chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, trí thức…, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính.

Cùng đó, phải xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng đồng bộ, vừa tạo không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics; kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, trong đó chú ý hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; xây dựng và thực thi cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất, thông suốt; cần tranh thủ sự hỗ trợ của các vùng, các địa phương, các nhà đầu tư… để chung sức, cùng Vĩnh Long phát triển.

Cùng cả nước thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thông tin tới hội nghị về các yếu tố nền tảng, định hướng lớn phát triển đất nước; thành tựu sau gần 40 năm đổi mới và các bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; định hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam lựa chọn tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

"Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau;” không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh;” huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...,” Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Với định hướng đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Vĩnh Long khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vĩnh Long cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị; quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, kè chống sạt lở…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện tốt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đồng thời, phát huy nội lực khai thác tốt hơn nữa tiềm năng để đột phá, vươn lên thành tỉnh khá, tỉnh thuộc nhóm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân.

Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật; thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh.

Cùng đó, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh; luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, bằng năng lực kinh nghiệm, tri thức, chuyển hóa lợi thế, tiềm năng của Vĩnh Long thành sản phẩm, công trình, dịch vụ cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển," Thủ tướng tin tưởng các dự án đầu tư của các doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế của các dự án, vừa góp phần vào phát triển kinh tế chung của Vĩnh Long.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển;” giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Long đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trên tinh thần "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, lượng hóa được," Thủ tướng Chính phủ tin tưởng với tiềm năng, lợi thế của mình và với đà phát triển, Vĩnh Long sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh; Vĩnh Long phát triển trở thành tỉnh khá trong cả nước; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Theo TTXVN/Vietnam+