Đến hộ gia đình anh Nguyễn Văn Cường (ngụ ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú) thuộc diện hộ nghèo suốt nhiều năm liền tại địa phương. Trước đây, gia đình có 5 công ruộng nhưng sản xuất chỉ từ “huề vốn” hoặc thất mùa, chứ không có lợi nhuận. Trước khó khăn, vợ chồng anh Cường được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hậu giới thiệu vay vốn tín chấp với số tiền 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú để nuôi bò, thời hạn vay 5 năm. Từ 1 con bò ban đầu, đến nay phát triển được 6 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn, anh Cường tận dụng 5 công đất ruộng chuyển sang trồng cỏ (do trồng lúa không hiệu quả) để làm nguồn thức ăn cho bò. Nhờ sự cần cù, chịu khó, từ nguồn vốn vay ban đầu đã giúp kinh tế gia đình anh Cường ngày càng ổn định, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Nói về tiếp cận nguồn vốn, anh Cường chia sẻ: “Lúc đầu, gia cảnh khó khăn nên chỉ mua được 1 con bò, vì thế lợi nhuận không nhiều. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH mới mua thêm và nhân rộng như bây giờ. Nếu không có nguồn vốn vay này, chắc gia đình không làm được…”.
Chia sẻ kỹ thuật nuôi càng đước
Là hộ nghèo nhưng mấy năm gần đây, nhờ tiếp cận vốn chính sách mà gia đình anh Phan Văn Dân (ngụ ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu) đã vươn lên phát triển kinh tế và trở thành hộ khá, có nguồn thu nhập ổn định. Hai năm trước, gia đình anh Dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú với số tiền 50 triệu đồng để nuôi càng đước (rùa răng). Sau 18 tháng nuôi, mỗi con càng đước có trọng lượng khoảng 4kg. Hiện, giá 1kg càng đước thương lái mua từ 300.000 - 350.000 đồng. Với 100 con càng đước, sau hơn 18 tháng nuôi mang lợi nhuận cho gia đình anh Dân trên 100 triệu đồng. “Đây là nguồn vốn vay tín chấp có lãi suất thấp, thời gian vay dài, nên mình dễ trả. Đi vay bên ngoài lãi suất cao thì nuôi sẽ không có lời, vì càng đước phải nuôi trong thời gian dài. Gia đình tôi dự định vay nâng vốn từ Ngân hàng CSXH để tiếp tục mở rộng mô hình” - anh Dân chia sẻ.
Chia sẻ về nguồn vốn chính sách giúp giảm hộ nghèo, tăng hộ khá tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Lâm Văn Nghiệm cho biết: “Nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình; hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo động lực trong thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã”.
Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú triển khai hiệu quả nguồn vốn vay trên địa bàn huyện An Phú, với dư nợ 525 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024 đã cho vay vốn tín chấp hơn 73 tỷ đồng, cho 1.593 hộ nghèo, cận nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường… vay vốn. Tất cả các hộ đang phát huy tốt nguồn vốn vay vào phát triển sinh kế, từ đó giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, an sinh xã hội.
Ông To Ri Dal (Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú) cho biết: “Thời gian qua, đơn vị phối hợp các địa phương triển khai cho vay theo các chương trình tín dụng quy định. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ dân đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có mô hình hiệu quả. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện để người dân theo từng nhóm đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay và tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn…”.
Những năm qua, thông qua nguồn vốn chính sách, đã có nhiều lao động được tạo việc làm, rất nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Phú triển khai những gói tín dụng đến nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn của 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Phú giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững.
NGHĨA THANH - HỮU HUYNH