Trẻ em cần “lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”. Ảnh: G.K
Một ngày, chúng tôi quay trở lại gặp gỡ “ông tiên trên vồ Mồ Côi” - Nguyễn Tấn Bông (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Ông là tấm gương điển hình trong chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 10 đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ ruồng bỏ khi còn đỏ hỏn. Lúc đó, ông sống nương tựa cùng mẹ già giữa cheo leo núi rừng, đến hạnh phúc lứa đôi vẫn chưa từng chạm tay vào. Đùng một cái, cơ duyên mang đến cho ông một đứa bé bị cha mẹ ngoảnh mặt. Ông nuôi từng đứa, từng đứa một bằng bản năng của một người đàn ông chưa vợ, học làm cha lẫn làm mẹ cả bầy con thơ.
Một thập kỷ trôi qua. Mẹ - người hết lòng động viên ông nuôi đám trẻ - đã khuất xa. Ông bước vào “cái dốc bên kia của cuộc đời”, chứng kiến mấy đứa con lớn đi làm, tự tạo lập cuộc sống riêng, đám nhỏ chưa thành niên cũng ngoan ngoãn, xem như được xây dựng “nền móng” cá nhân tốt. Nhưng tận sâu trong thâm tâm, ông luôn khắc khoải về những đứa trẻ yếu thế trong xã hội, từ thực tế mình đã trải qua.
“Tạo ra đứa trẻ để làm gì, rồi không nhìn nhận chúng? Giờ, tôi lực bất tòng tâm, trẻ mồ côi cần chăm sóc thì nhiều, mà tôi không còn kham nổi. Lời khuyên của tôi dành cho mọi người là nên suy nghĩ chín chắn về hôn nhân, gia đình, đừng gây nên cảnh éo le, nặng gánh xã hội. Tội đứa trẻ lắm, khi chúng phải đứng trước câu hỏi: Cha là ai? Mẹ là ai? Đặc biệt, tôi mong những người mang trách nhiệm nuôi dạy trẻ đừng bao giờ bạo hành trẻ. Hãy để các cháu được sống, được yêu thương một cách trọn vẹn nhất” - ông Bông bày tỏ.
Băn khoăn của ông cũng là băn khoăn của xã hội, nhất là khi bước vào Tháng hành động vì trẻ em (thông điệp “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”), Ngày gia đình Việt Nam 28/6 (thông điệp “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (thông điệp “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”). Vấn đề đặt ra hiện nay là bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình; xây dựng gia đình đầm ấm, biến mọi phiền muộn trở thành hạnh phúc, niềm vui giản dị mỗi ngày.
Toàn tỉnh dự kiến tổ chức hoạt động truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, phòng tránh xâm hại, bạo lực trẻ em; truyền thông tư vấn về hôn nhân, gia đình, trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ công việc gia đình và trong chăm sóc, nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc… Không chỉ thế, hàng loạt hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi (1/6); khen thưởng thành tích học tập tốt; hỗ trợ học bổng, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chênh vênh giữa cuộc đời vì COVID-19 cướp mất cha mẹ… đang được đẩy mạnh, để những nụ cười trẻ thơ sáng mãi.
Câu chuyện bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trẻ em cần được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Đến thăm những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây nặng lòng: “Mỗi em là một hoàn cảnh đáng thương vô cùng. Có em đáng lẽ học lớp 3, thì chưa được đến trường. Có em bị khuyết tật do cha mẹ sơ suất xảy ra phỏng nặng. Có em lại mắc bệnh hiểm nghèo... Là lãnh đạo địa phương, cũng là một người mẹ, tôi rất chia sẻ với bất hạnh, sự thiếu thốn tình thương của các em. Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục chung tay chăm lo cho trẻ, để các em được sống trong môi trường tốt nhất. Đồng thời, động viên các em nỗ lực vươn lên, bởi rất nhiều người đang đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ các em, từ quần áo, thủ tục nhập học, sách vở, sinh hoạt phí... Mong rằng, các em sẽ được đến trường, được yêu thương như bao bạn bè!”.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến, trong tháng 6, các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về gia đình và trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Cùng với đó, hướng đến tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình.
GIA KHÁNH