Vũ khí hiệu quả chống COVID đến nay vẫn chưa được sử dụng ở Mỹ

06/02/2021 - 08:30

Là một cách tiếp cận khách quan và rõ ràng để xác định vị trí nơi dịch bệnh đang lây lan, tuy nhiên công cụ này cho đến nay vẫn chưa được sử dụng ở Mỹ.


Dưới kính hiển vi điện tử, virus corona (màu vàng) hiện trên bề mặt các tế bào (màu hồng và xanh). Ảnh: NBC

Theo NBC News, cho đến lúc nước Mỹ đạt được mốc miễn dịch cộng đồng với COVID-19, khi 75%-90% dân số đã được chủng ngừa, người dân sẽ phải tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sống trong một thế giới sợ hãi.

Trong khi đó, có một công cụ lâu nay không được sử dụng, có thể tạo ra khác biệt đáng kể trong việc xác định và chống lại sự lây lan của virus mà không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới cuộc sống của bất kỳ ai: đó là xét nghiệm môi trường.

Bằng cách lấy mẫu và đo lường sự hiện diện của virus trong một cộng đồng nhất định, phương pháp xét nghiệm môi trường có thể xác định sự hiện diện của virus sớm hơn nhiều tuần trước các biện pháp khác.

Lấy mẫu môi trường là một cách tiếp cận khách quan và rõ ràng nhằm định vị nơi dịch bệnh đang lây lan. Bất cứ người nào là vật chủ tạo ra virus – có triệu chứng hoặc không có triệu chứng – sẽ phát tán các phân tử virus vào môi trường. Hầu hết virus này sẽ bị vô hiệu hóa do điều kiện khắc nghiệt bên ngoài cơ thể con người. Tuy nhiên, như chúng ta đã chứng kiến tốc độ lây lan nhanh của virus trên toàn cầu, một số virus vẫn có khả năng lây nhiễm trên các bề mặt và trong không khí.

Bằng cách lấy mẫu và đo lường sự hiện diện của virus trong một cộng đồng xác định, việc xét nghiệm môi trường có thể giúp xác định sự hiện diện của virus nhiều tuần trước các biện pháp khác, như truy dấu tiếp xúc. Ngoài ra, biện pháp này còn cho phép các tổ chức chăm sóc sức khỏe khoanh vùng được ổ dịch và định vị được dấu vết mục tiêu trong những khu vực đó. 

Từ trước đến nay, xét nghiệm môi trường vốn được coi là một công cụ chủ yếu trong điều tra các ổ dịch do virus, giúp nhận biết sớm và theo dấu các ca nhiễm mới.

Trong trận dịch sởi Hà Lan năm 2013, việc lấy mẫu môi trường có thể cung cấp nhìn nhậm tương quan số lượng virus trong các mẫu nước thông thường với số lượng các ca lâm sàng. Khi dịch bại liệt bùng phát ở Pakistan, việc xét nghiệm môi trường đã định vị được các ổ dịch bại liệt từ 4 tháng trước khi phát triển các triệu chứng.


Lấy mẫu xét nghiệm virus trên các bề mặt. Ảnh: NBC News

Năm 2020 vừa qua đã cho thấy tiềm năng nghiên cứu các trường hợp nhiễm COVID19 mới trong cộng đồng và bệnh viện. Chẳng hạn, lấy mẫu nước thải đã cho thấy sự hiện diện âm thầm của các phân tử virus. Điều này cho phép tiến hành xét nghiệm một tỷ lệ nhỏ dân số nhằm xác định và cách ly những người nhiễm trước khi thảm họa xảy ra. Các mẫu xét nghiệm bề mặt và trong không khí cung cấp những “dấu chân” tương tự về địa điểm phát tán virus.

Tuy vậy cho đến nay, kế hoạch ngăn chặn COVID-19 của Mỹ chủ yếu tập trung vào ngăn chặn - giãn cách xã hội và truy tìm các tiếp xúc. Việc ngăn chặn xã hội dựa trên sự tình nguyện của đông đảo người dân về tuân thủ các quy tắc đeo khẩu trang, giãn cách… Còn hoạt động theo dõi tiếp xúc lại bỏ qua sự nguy hiểm của lây lan từ những người không có triệu chứng. Trong khi đó, xét nghiệm môi trường có thể cung cấp sự giám sát liên tục, toàn diện.

Trở ngại chính của xét nghiệm môi trường rộng rãi là thiếu đầu tư vào phát triển các biện pháp phát hiện nhạy với virus. Điều này có thể được khắc phục bằng chính những bộ óc khoa học đã phát triển các xét nghiệm nhanh COVID, xét nghiệm kháng thể và điều chế vaccine.

Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)