Vu Lan này ba ở đâu?

25/08/2018 - 08:48

Guồng quay của công việc cuốn con của ba đi xa mất, đôi lúc chẳng còn nhớ về ba, nhớ về ngày Vu Lan để báo hiếu ba, đền đáp mẹ. Con bàng hoàng, tự hỏi: Vu Lan này, ba ở đâu? Nơi đó, ba sống có hạnh phúc không ba?

Rảo bước trên con ngõ nhỏ vào một buổi chiều mưa miên man tháng 7, văng vẳng âm thanh tiếng trống nhà ai khắc khoải, tiếng đàn nhị kéo dài bi ai, chạm đến tận đáy lòng những con người nơi Hà thành ồn ã, xa hoa. Lê gót chân bước chừng mươi mét nữa, tiếng ai cất lên thất thanh: "Ba ơi..." nghe sao thê lương, ai oán vậy.

Bất giác, tôi nép mình vào con hẻm nhỏ, đứng thất thần, nhìn vào khoảng không vô định. Thì ra, ai đó vừa mất đi một người ba mà có lẽ cả đời này không gì đánh đổi được. Vậy là năm nay, và mãi về sau này, giữa tiếng chuông chùa cổ kính trong nghi lễ Bông hồng cài áo dịp Vu Lan, người con tội nghiệp ấy sẽ không còn được hãnh diện cài trước ngực bông hồng đỏ thắm nữa. Thay vào đó là bông hồng trắng toát đến gai người, nghĩ đến đây thôi mà lòng chua xót, mặn đầu môi.

Góc nhỏ con tim, tôi đồng cảm với người con không mấy may mắn đó. Trong phút giây trầm mặc và chứa đầy nỗi đau tang thương ấy, cái buồn man mác len lỏi trong tâm hồn, gợi lại ký ức ngày còn thơ. Tôi như tìm lại chính mình, tìm lại tôi của thuở xưa, ngày tôi lên tám, ngày mà tôi mất ba.

Hà Nội mùa này mưa to quá ba ơi, chợt đến rồi chợt đi như cách mà ba bước vào giấc chiêm bao của con kể từ ngày ba đi mãi mãi. Ba từng ủ ấm cuộc đời con, cùng mẹ vẽ lên bức tranh gia đình đầy sắc màu tươi mới bên ngôi nhà nhỏ nhỏ xinh xinh. Thế rồi, hạnh phúc chưa đủ đầy, ba lại vội mang hành lý và dừng chân lại thế giới bên kia. Hạnh phúc nhỏ con từng mơ ước, từ ngày đó bỗng thiếu đi mái nhà chở che. Ba đi khi con còn nhỏ bé, ngây thơ. Con đâu biết rằng, ba đi rồi mãi không về nữa, đâu biết rằng, mất ba, cả đời này con mất đi cả bầu trời đầy nắng, cả thế giới tình thương vô bến bờ. Cứ thế, con ngày ngày lớn lên trong tiếng ầu ơ của mẹ mà thiếu đi bóng dáng của ba mỗi khi cần ba vỗ về.

Mất ba, con mất đi cả thế giới tình thương vô bến bờ (Ảnh minh họa)

Lớn lên tí nữa, con mới chợt nhận ra rằng, điều tiếc nuối nhất của con là thiếu đi hình bóng ba. Nhưng điều thiệt thòi nhất của ba, lại chính là không thể đợi đến ngày con gặt quả để con có thể đền đáp ơn nghĩa sinh thành.

Ngày đi học xa nhà, từng bức ảnh của ba, từng dòng chữ rõ mồn một ba ghi trong cuốn sổ cũ kỹ hồi ba còn trên đời mà lâu nay con vẫn giữ cho riêng mình, có lẽ, những kỷ vật ấy là ngọn lửa đốt cháy niềm tin và động lực lớn nhất trong con.

Nhưng ba ơi, con tủi thân mỗi lần bạn bè đua nhau nhắc về ba của mình. Trong những lúc chuyện trò náo nhiệt đó, con chỉ biết lặng im và nhớ về ba, bởi ba đang ở tận cùng thế giới bên kia. Con càng đau lòng biết mấy khi mỗi độ Vu Lan về, con không còn được cài lên ngực bông hoa hồng đỏ, không thể tự hào với cả thế giới rằng ba còn ở cạnh con.

Ngày tháng thoi đưa, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền dần đè nặng lên đôi vai khiến đứa con gái bé bỏng ngày nào phải gồng mình trước những cơn giông tố của cuộc đời. Guồng quay của công việc cuốn con của ba đi xa mất, đôi lúc chẳng còn nhớ về ba, nhớ về ngày Vu Lan để báo hiếu ba, đền đáp mẹ. Con bàng hoàng, tự hỏi: Vu Lan này, ba ở đâu? Nơi đó, ba sống có hạnh phúc không ba?

Bất chợt, tiếng còi xe của những người đi đường vang lên inh ỏi khiến tôi giật mình. Nghĩ về người con vừa không may mất ba ấy, và nghĩ về ba, tôi quyết định trở về quê nhà vào một ngày cận kề rằm tháng 7, mặc cho công việc còn bộn bề lo âu, mặc cho từng cơn mưa xối xả như giận, như hờn.

Đón tôi đầu lũy tre làng, mẹ khuơ khuơ chiếc nón mê còn vương mùi ẩm mốc và gọi tên tôi trong niềm mong mỏi của một người mẹ lâu ngày xa con. Trên con đường làng dẫn về ngôi nhà nhỏ, mùi hương nhà ai tỏa ra thơm quá, tiếng chuông chùa, và cả tiếng trống gõ nhịp liên hồi của nhà thờ, tất cả quyện lẫn làm cho không khí bình yên của làng quê nghèo khó bỗng trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường.

Rằm tháng 7 năm nào, mẹ cũng chuẩn bị thật tươm tất để ba ở dưới suối vàng được bình an hưởng lạc. Lóng ngóng lau tấm di ảnh trên bàn thờ ba, tôi chợt nghe tiếng cãi cọ từ nhà kế bên. Không phải tiếng quát mắng con cái của những bậc sinh thành tôi từng nghe, mà là tiếng gào, tiếng nạt nộ xuất phát từ người con, chốc chốc lại nghe tiếng đấm đá ầm ầm như trong phim chưởng.

Mẹ tôi trầm ngâm: "Nghe đâu, mấy hôm nay thằng Phúc gần nhà vòi tiền ba mẹ nó để đi quậy nhưng ba mẹ không cho. Vậy là nó bỏ nhà đi theo lũ côn đồ mấy ngày liền. Nay nó quay về nhà trộm tiền, bị mẹ nó thấy được, nó tính làm liều rồi đánh mẹ, quát ba".

Nghe đến đây mà xót xa quá. Có ba, có mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao, cả đời này dù là vàng hay ngọc cũng không bao giờ có thể đánh đổi. Kỳ thực, khi còn ba, còn mẹ, con người ta thường không biết trân trọng, đến khi "một mai bách tuế ra cây úa lá vàng, lá rụng cội đại ngàn" thì có tìm trời, tìm bể cũng không còn thấy mẹ, thấy ba.

Tôi mường tượng ra khung cảnh ngày nào đó, không khí tang thương sẽ bao trùm lên từng ngôi nhà có những đứa con một thời bồng bột mà đánh mẹ, mắng ba. Khi ba mẹ sang bên kia thế giới rồi mới thảm thiết gọi tên, dâng mâm cao cỗ đầy cúng bái ba mẹ, nhưng buồn thay, “không thấy ba mẹ ăn chi, chỉ thấy ruồi với ruồi, chỉ thấy kiến với kiến”.

Phút huyễn tưởng bị ngắt đi bởi tiếng quát của đứa con tên Phúc cùng tiếng xì xào bàn tán của những người hàng xóm hiếu kỳ. Rồi đây, những người con như anh Phúc cạnh nhà sẽ như thế nào khi ba mẹ xa lìa cõi đời. Liệu rằng họ còn tiếc nuối vì những gì đã từng làm với mẹ, với ba. Liệu rằng, đến ngày rằm tháng 7 của một năm nào đó, họ có tự vấn lòng mình: Vu Lan này ba mẹ ở đâu?

Theo PHÙNG LIÊN (Người Đưa Tin)