Một trong những hoạt động mới, thú vị được Nhà Thiếu nhi đưa vào chương trình hoạt động hè năm nay đó là huấn luyện kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho thiếu nhi. Qua 2 buổi huấn luyện, lớp đã thu hút gần 100 thiếu nhi có độ tuổi từ 10-15 tham gia. Tuy thời gian không nhiều nhưng kết thúc buổi huấn luyện, các bé đều thích thú cho rằng, đây là trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích. Bởi, các em được truyền đạt kiến thức về PCCC, được đích thân thực hành những kỹ năng cơ bản về PCCC để rèn luyện sự tự tin, bình tĩnh, không sợ hãi. Tham gia lớp huấn luyện PCCC cùng các em nhỏ trong thời gian ngắn, chúng tôi thấy được sự phấn khởi hiện rõ qua gương mặt của từng em. Không chỉ tích cực trả lời câu hỏi, các em còn mạnh dạn xung phong với những trải nghiệm về PCCC như: dập tắt lửa bằng cát, cứu hỏa với bình CC, cách thoát khỏi đám cháy an toàn, cách sử dụng và phân biệt các loại bình CC (bình bột, bình khí).
Các em trải nghiệm thực hành biện pháp chữa cháy
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp huấn luyện PCCC cho thiếu nhi. Lúc đầu, tôi lo các em không tiếp thu được những kiến thức khô khan nhưng càng truyền đạt, tôi phát hiện các em thích thú, say mê. Điều bất ngờ là khi trải nghiệm thực hành, đa số các bé rất bình tĩnh trước những tình huống giả định, áp dụng lý thuyết rất tốt. Đây là lớp huấn luyện cần thiết cho trẻ nhỏ. Bởi, không riêng gì người lớn, hỏa hoạn không chừa một ai và bất cứ thứ gì, đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất” - thượng úy Ngô Xuân Tiệp (Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh) cho biết.
Nhiều phụ huynh đưa con tham dự lớp tập huấn cho rằng, chính bản thân họ cũng học được kiến thức PCCC rất nhiều. Chị Nguyễn Kim Phương (sinh năm 1977, ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ban đầu, tôi sợ con mình không hứng thú với lớp huấn luyện rồi xin về sớm. Nào ngờ, thấy thằng bé xung phong thực hành dập lửa bằng bình CC mi-ni với động tác nhanh nhẹn và thuần thục, tôi khá bất ngờ. Ở nhà, tôi cũng hướng dẫn đôi chút về biện pháp PCCC (tham khảo trên mạng) thằng bé chỉ nghe rồi phớt lờ. Theo tôi, lớp học này rất có ích cho trẻ nhỏ vì nó trang bị nhiều kỹ năng PCCC và kỹ năng xã hội. Bản thân tôi học hỏi rất nhiều từ lớp huấn luyện PCCC này”. “Những kiến thức em được dạy về PCCC rất cần thiết, giúp em biết được nhiều cách CC và cách bảo vệ bản thân an toàn khi xảy ra sự cố cháy. Ấn tượng với em nhất là bài học về tình đoàn kết, anh chị lớn dùng mền che chắn các em nhỏ đi qua đám cháy. Em hy vọng mình sẽ được tham gia nhiều lớp học PCCC thế này để tích lũy nhiều kiến thức hữu ích” - em Trần Ngọc Minh Thông (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Châu Văn Liêm, TP. Long Xuyên) phấn khởi chia sẻ. “Hoạt động huấn luyện PCCC là điều rất cần thiết. Bởi, khi gặp sự cố, các em biết cách để giải thoát, đảm bảo an toàn cho bản thân, giúp được người thân đủ bình tĩnh để xử lý các tình huống. Thực tế, khi có sự cố, ba mẹ luôn đặt ưu tiên cứu các con là hàng đầu, nếu phụ huynh đã yên tâm về các con, sẽ có nhiều cách xử lý tốt hơn để đảm bảo tốt tính mạng, tài sản. Việc học lý thuyết và trải nghiệm thực tế là 2 vấn đề rất khác nhau. Qua thực hành, các em đã tự tin đối mặt được với các tình huống, điều đó giúp các em xử lý tình huống tốt hơn” - Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Trương Thanh Thúy cho biết.
Bên cạnh đó, Nhà Thiếu nhi còn tổ chức nhiều sân chơi mới lạ, hấp dẫn như: tích hợp thêm nội dung khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc có biểu diễn phục vụ văn nghệ (kích thích tinh thần phát triển năng khiếu), trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân; tặng quà cho thiếu nhi ở xã Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn) và xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới). Ngoài ra, còn có hoạt động “Ngày hội tuổi thơ” tại Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành)... Tổng kinh phí hỗ trợ các hoạt động thiếu nhi trong dịp hè gần 400 triệu đồng. “Chúng tôi mong muốn tổ chức các sân chơi mang lại nhiều giá trị thiết thực: học mà chơi, chơi mà học. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới” - chị Thúy bộc bạch.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN