Vừng đen và vừng trắng, loại nào tốt cho sức khỏe hơn?

22/07/2023 - 14:06

Hạt vừng dù nhỏ nhưng lại có ‘võ’ vì nó có thể mang lại hàng loạt lợi ích cho sức khỏe.

Cây vừng (hay còn gọi là cây mè) tên khoa học là Sesamum indicum L. Loại cây này thường được trồng chủ yếu để lấy hạt, phổ biến ở các khu vực nhiệt đới châu Á và châu Phi, Nam Mỹ. Hạt vừng có thể dùng để ép dầu.  

Hạt vừng kích thước rất nhỏ, nhưng lại rất giàu protein, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Hạt vừng thường được dùng trong thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm. 

Lợi ích sức khỏe của hạt vừng

Giảm mỡ máu

Hạt vừng chứa lignan và phytosterol. Đây là hai hợp chất thực vật có thể giúp giảm cholesterol trong máu. Phytosterol còn có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện trong số tất cả các loại hạt thường được người Mỹ sử dụng, hạt vừng có tổng hàm lượng phytosterol cao nhất. Trong 100g hạt vừng có tới 400-413mg phytosterol. 

Lignan, phytosterol và nhiều hợp chất khác trong hạt vừng cũng được cho là giúp ngăn ngừa tăng huyết áp. 

Hạt vừng trắng (Ảnh: Gardening Know How)

Chống viêm nhiễm

Sesamin và sesamolin trong hạt vừng được biết đến với đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. Chất chống oxy hóa rất quan trọng với sức khỏe vì chúng bảo vệ cơ thể khỏi nhiều loại bệnh khác nhau bằng cách làm chậm quá trình tổn thương tế bào. 

Hạt vừng cũng được chứng minh có tính năng kháng khuẩn, chống nhiễm trùng tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn gây viêm họng cũng như các loại nấm gây viêm da thông thường. 

Tốt cho sức khỏe răng miệng

Các chất trong hạt vừng giúp loại bỏ vi khuẩn gây mảng bám trên răng. Từ xa xưa, người ta đã dùng dầu hạt vừng để súc miệng với mục đích bảo vệ sức khỏe răng miệng, vệ sinh răng miệng. 

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Nghiên cứu cho thấy, rằng dầu hạt vừng làm tăng hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2. 

Ăn hạt vừng thường xuyên cũng có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong hạt vừng cũng giúp giảm đường huyết. 

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Sesamol trong hạt vừng có một loạt các đặc tính dược lý, gồm chống oxy hóa, chống đột biến (ngăn chặn sự đột biến của tế bào), chống nhiễm độc gan (ngăn ngừa tổn thương gan), chống viêm, chống lão hóa, chống nhiễm trùng. Tất cả các đặc tính này đều đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư.

Cực giàu dinh dưỡng

Hạt vừng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là protein. Vì thế, loại hạt nhỏ bé này thường được dùng trong chế độ ăn chay và thuần chay.

Hạt vừng cũng chứa nhiều đồng, giúp sản sinh các tế bào hồng cầu và hỗ trợ chức năng của hệ thống miễn dịch. Chỉ một chén hạt vừng khô có thể cung cấp tới 163% lượng đồng cần thiết trong một ngày. 

Ngoài ra, hạt vừng còn là nguồn cung cấp mangan và canxi dồi dào. 2 khoáng chất này giúp xương chắc khỏe hơn. Canxi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu thần kinh, chuyển động cơ bắp, bảo vệ chức năng mạch máu và giải phóng hormone.

Trong khoảng 60g hạt vừng khô có chứa 206 calo, 6g đạm, 18g chất béo, 8g carb, 4g natri, đặc biệt không chứa đường.

Vừng đen và vừng trắng, loại nào tốt hơn?

Vừng đen và vừng trắng. (Ảnh: Amazon)

Hạt vừng có nhiều màu khác nhau, bao gồm nâu, đỏ, đen, vàng và trắng ngà. Tại Việt Nam, loại vừng phổ biến là vừng đen và vừng trắng. Hạt vừng đen chứa nhiều canxi, kali, đồng, sắt và mangan hơn so với vừng trắng. Theo thông tin từ tờ Healthline, ngoài việc chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, hạt vừng đen còn có hương vị đậm đà và giòn hơn hạt vừng trắng.

Hạt vừng được dùng đa dạng trong cả món mặn và món ngọt. Bạn có thể rắc thêm hạt vừng vào lớp vỏ của bánh mì, salad,... Tại Việt Nam, hạt vừng cũng hay được thêm vào các món bánh truyền thống, chè hoặc đơn giản là rang chín hạt vừng và giã nhỏ cùng muối là bạn đã có một món muối vừng ngon tuyệt cho bữa cơm ngon.  

Theo VTC