Vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

19/07/2023 - 08:30

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng.

Theo rà soát của Bộ GTVT, dựa trên quy hoạch vùng, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực này cần khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương khoảng 60.800 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp Nhà nước 109.000 tỷ đồng, vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng. Nguồn vốn này nhằm tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. 

Tuyến đường tránh TP Bà Rịa, điểm bắt đầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Để giải ngân nguồn vốn này, từ nay đến năm 2025, vùng cần tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với các tuyến đường cửa ngõ quan trọng như: Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT xác định cần hoàn thiện nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam và khu đầu mối TP Hồ Chí Minh hiện có, để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt; tiếp tục đầu tư hệ thống metro TP Hồ Chí Minh và sớm đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai với TP Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. 

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 2; nghiên cứu nâng cấp sân bay Côn Đảo, sân bay Biên Hòa…

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Với tầm quan trọng của khu vực này, việc đầu tư hạ tầng giao thông đi trước mở đường sẽ đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trong đó, TP Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

Theo Báo Tin Tức