Hiện nay, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 2648 của UBND tỉnh (ban hành năm 2016) về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trong văn bản nêu rõ, cần thiết các địa phương trang bị máy đo độ ồn âm thanh để đo dicibel và xử lý vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản việc đo độ ồn âm thanh (chuyên ngành gọi là quan trắc độ ồn).
Theo quy định, việc đo độ ồn thuộc thẩm quyền của những cơ quan chức năng chuyên ngành, cụ thể là Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng chuyên ngành do tỉnh thành lập. Từ đó, cấp huyện không có thẩm quyền nên việc đo độ ồn để xử lý không còn nữa, chủ yếu thông qua hình thức vận động, tuyên truyền để thực hiện Chỉ thị số 2648 và những chủ trương của địa phương về thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Tiếng ồn là thứ nghe được nhưng không nhìn thấy được nên phải có chứng cứ thuyết phục mới thực hiện việc xử lý
Đây là một trong những nội dung Phòng Văn hóa huyện Phú Tân kiến nghị trong buổi làm việc với HĐND tỉnh vừa qua. Trưởng phòng Văn hóa huyện Phú Tân Ngô Quang Trung lý giải, khi thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, đưa hộ dân vào xét các tiêu chí gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh… nếu họ chấp hành thì rất tốt, còn nếu không có ý thức, không chấp hành thì không có căn cứ để xử lý. Chỉ còn lại những căn cứ để xử lý như Nghị định 167 xử phạt vi phạm hành chính nếu hoạt động quá giờ, xử lý đơn vị dịch vụ cho thuê âm thanh không đăng ký giấy phép...
Tại huyện Phú Tân, thực hiện theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, tất cả các cơ sở hoạt động dịch vụ cho thuê âm thanh trên địa bàn được Phòng Văn hóa làm việc, yêu cầu lập thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh và 86/86 cơ sở đều chấp hành khá tốt. Huyện đã trang bị 20 máy đo độ ồn tại các xã, thị trấn và tại huyện. Đối với trường hợp hoạt động quá giờ, hoạt động không đăng ký giấy phép kinh doanh, phòng vẫn xử lý bình thường, tuy nhiên chỉ vướng mắc ở việc sử dụng máy đo độ ồn khi các cơ sở, cá nhân hoạt động, cần có căn cứ chính xác xử lý.
Trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có dự thảo về quy định quản lý độ ồn âm thanh gửi về các huyện đóng góp, dự kiến sau khi tổng hợp ý kiến các huyện sẽ hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong dự thảo, có nêu một số quy định như tiến hành tập huấn cho các huyện thực hiện chức năng, cụ thể là đội 814 để cấp giấy chứng nhận cho cán bộ chuyên môn huyện có đủ thẩm quyền đo độ ồn âm thanh.
Bên cạnh đó, nếu huyện nào có máy đo độ ồn âm thanh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tập hợp và thẩm định lại máy đo mới cho phép thực hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là dự thảo, đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Hầu hết cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở huyện, thị xã, thành phố cũng có ý kiến tương tự. Tuyên truyền là biện pháp hàng đầu nhưng có những trường hợp bức xúc cần phải xử lý và quan trọng cần có chứng cứ mới có thể xử lý được.
Mới đây, ngày 9-11, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tăng cường vận động, nhắc nhở người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh, vui chơi, hát karaoke tại nhà cần có thời gian nhất định, không ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng xóm. Về lâu dài, những người làm quản lý văn hóa vẫn chờ đợi có quy định để quản lý các loại hình văn hóa, dịch vụ âm thanh theo hướng phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chuyên môn, tháo gỡ dần những vướng mắc phát sinh từ thực tế.
MỸ HẠNH