WB: Hầu hết chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam

19/09/2020 - 19:02

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9-2020 mới phát hành, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định, hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam.

Ảnh minh họa

WB cho rằng, đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng vừa qua đã được các cơ quan chức năng kiểm soát nhanh chóng. Đợt bùng phát này buộc chính quyền hạn chế đi lại theo cách có mục tiêu và đẩy mạnh các biện pháp khác để giảm tác động.

WB nhận định, cách tiếp cận có mục tiêu như vậy gây ảnh hưởng kinh tế ít hơn so với đợt cách ly toàn quốc trong tháng tư.

Theo WB, hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam, nhưng mức độ phục hồi trong nước đã giảm nhẹ trong tháng 8, một phần là do đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cho dù còn nhiều trở ngại trên thị trường quốc tế, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giảm đáng kể.

Do đó, WB cũng đưa ra khuyến nghị, trong tương lai cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước do họ có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư trong một môi trường nhiều bất ổn như hiện nay, cũng như các chính sách ứng phó của Chính phủ Việt Nam cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khoá và nợ vay trong dài hạn.

WB dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, trong tám tháng đầu năm 2020, thu ngân sách Việt Nam chỉ đạt 58,3% dự toán, thấp hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến dư địa tài khóa đang bị thu hẹp. WB nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 bằng cách tăng chi tiêu công, và do vậy đã dần dần làm giảm dư địa tài khóa.

Trong tám tháng đầu năm, thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 do kinh tế suy giảm và các doanh nghiệp, cá nhân được miễn thuế để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu công cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, phản ánh biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Để thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình đầu tư công, chi đầu tư phát triển tăng lên đến 221,7 nghìn tỷ đồng trong tám tháng đầu năm 2020, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Những điểm mới kinh tế vĩ mô Việt Nam

Bên cạnh đó, WB cũng đưa ra nhận định, trong tháng 8, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn những tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng trước khi xảy ra dịch Covid-19.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) tăng 2,1% trong tháng 8, thấp hơn một chút so với tháng 7, còn tăng trưởng doanh số bán lẻ (SA) đã giảm xuống 2,3% trong tháng 8 so với 5,2% trong tháng 7.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Việt Nam ổn định, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm đáng kể, chỉ đạt khoảng 720 triệu USD trong tháng 8 so với 3,1 tỷ USD vào tháng 7 năm 2020. Việt Nam đã nhận được 19,5 tỷ USD vốn FDI trong tám tháng đầu năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 8, ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với những tháng gần đây do giá lương thực ổn định.

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 tiếp tục giảm ở mức 9,4% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự suy giảm trong hoạt động kinh tế mặc dù NHNN có chính sách giảm lãi suất và khuyến khích tín dụng thương mại.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 8-2020, dự trữ ngoại hối của NHNN là 92 tỷ USD, tăng so với mức 80 tỷ USD vào cuối tháng 12-2019. Mặc dù mức tăng này không cao như mức tăng cùng kỳ năm 2019, nhưng nó chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

WB cho rằng, việc Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài. Đồng thời, cán cân thanh toán của Việt Nam đã thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

Theo NGUYÊN MINH (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích