WHO đặc biệt quan ngại về tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19

18/11/2020 - 08:15

Tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 của ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ngày 17-11, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua con số 55 triệu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ cực kỳ quan ngại về tốc độ gia tăng số ca mắc mới trong những ngày qua tại nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Ngay tại thời điểm này, chúng tôi cực kỳ lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại một số nước. Đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, nơi các nhân viên và hệ thống y tế đều đang bị dồn vào tình trạng quá tải nghiêm trọng". Ông cảnh báo các nước này đang "đùa với lửa" khi không thể kiểm soát virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan. Theo số liệu thống kê của WHO, Mỹ và các nước châu Âu chiếm tới hơn 70% số ca mắc COVID-19 và hơn 77% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhiều nước vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày phá kỷ lục.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron ra thông báo cho biết người hâm mộ thể thao sẽ không được phép trở lại các sân vận động trên cả nước để xem các trận thi đấu thể thao trước tháng 1-2021. Phát biểu với giới chức thể thao, Tổng thống Macron nhấn mạnh việc khán giả trở lại các sân vận động là không thể diễn ra trong tháng 12 tới khi số ca mắc COVID-19 tại nước này không ngừng  tăng trong những ngày qua. Tuy nhiên, ông cho biết các câu lạc bộ  thanh niên có thể được phép mở cửa lại vào  tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh có chiều hướng thuyên giảm và các biện pháp chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt  trong không gian trong nhà. 

Trong khi đó, tại Đức, ngày 17-11, Thủ tướng Angela Merkel và chính quyền các bang nhất trí sẽ không siết chặt các biện pháp bắt buộc chống dịch tại thời điểm tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đang có chiều hướng chậm lại. Theo truyền thông trong nước, thay vì việc siết chặt các biện pháp chống COVID-19, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang chỉ kêu gọi người dân giảm tiếp xúc xã hội xuống mức tối thiểu khi cả nước đang thực thi lệnh phong  tỏa một phần kéo dài hết tháng 11. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các bang, bà Merkel nhấn mạnh tránh được bất kỳ cuộc tiếp xúc nào đều là tốt trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, người dân được kêu gọi hạn chế tập trung đông người, gặp gỡ bạn bè, người thân. 

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tiếp tục tự cách ly sau khi có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Theo người phát ngôn của ông Johnson, mặc dù xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng theo quy định, Thủ tướng Johnson vẫn thực hiện tự cách ly. Trước đó, 10 nghị sĩ đảng Bảo thủ của nước này đang tự cách ly sau khi được thông báo họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19.

Tại Italy, ngày 17-11, chính phủ đã thông qua dự thảo Luật Ngân sách 2021, trong đó chi hơn 38 tỷ euro để khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn Hãng thông tấn ANSA của Itlay cho biết chính phủ đã thông qua dự luật ngân sách 2021, trong đó phân bổ hơn 38 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động vượt qua tình trạng khẩn cấp hiện nay.

Theo Bộ trưởng Quan hệ của Nghị viện Federico D’Incà, ngân sách 2021 sẽ phân bổ hơn 4 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cùng các gói hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn việc sa thải nhân viên kéo dài đến 31-3-2021… Ngoài ra, Italy sẽ dành khoảng 400 triệu euro để mua vaccine và thuốc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như phân bổ thêm 2 tỷ euro để nâng cấp và xây dựng các cơ sở y tế.

Dự kiến, dự thảo Luật Ngân sách 2021 sẽ được Hạ viện thảo luận và thông qua trong ngày 18-11.

Theo PHƯƠNG HOA - HẢI LINH (TTXVN)