WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp. Ảnh: AP
Năm 2018, WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới vào năm 2023, do có nhiều bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Mục tiêu này không đạt được và được lùi lại đến năm 2025.
Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 53 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, đang thực hiện các chính sách tối ưu để hạn chế chất béo độc hại này, tăng từ 11 quốc gia và tỷ lệ 6% vào năm 2018. WHO ước tính khoảng 183.000 người được cứu sống mỗi năm nhờ các chính sách này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh chất béo chuyển hóa mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người. Ông ca ngợi nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tham gia và tăng cường đối thoại với ngành công nghiệp thực phẩm.
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo hiện diện trong nhiều loại thực phẩm, chúng được tạo ra khi thêm hydrogen (H+) vào dầu thực vật dạng lỏng nhằm chuyển dầu sang dạng rắn, khiến các động mạch quanh tim bị tắc nghẽn. Chúng thường được sử dụng trong thực phẩm đóng gói, bánh nướng, dầu ăn và các loại đồ phết như bơ thực vật. Các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng chất béo chuyển hóa vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn và rẻ hơn một số chất béo thay thế.
Các biện pháp tối ưu để loại bỏ chất béo chuyển hóa bao gồm đặt giới hạn quốc gia bắt buộc là 2 gram chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp trên 100 gram tổng lượng chất béo trong tất cả các loại thực phẩm; hoặc ban hành lệnh cấm quốc gia đối với việc sản xuất hoặc sử dụng dầu hydro hóa một phần, một nguồn chính của chất béo chuyển hóa.
Theo TTXVN