WTO: Nhìn lại chặng đường 25 năm

12/01/2020 - 09:25

Năm 2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh dấu 25 năm tồn tại kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (ngày 1-1-1995). Kỷ niệm chặng đường 1/4 thế kỷ là sự kiện lớn của WTO với những đóng góp cho nền kinh tế thế giới, cùng các quy tắc dựa trên lợi ích chung. Tuy nhiên, kinh tế thế giới nhiều biến chuyển, chính trị quốc tế đổi thay, khiến WTO phải đối mặt với không ít thách thức, thậm chí có lúc lâm vào khủng khoảng, đe dọa sự tồn tại của tổ chức này.

Chiếm 98% tỷ trọng thương mại toàn cầu

Kể từ khi đi vào hoạt động, WTO đã đóng vai trò quan trọng tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên. Tổ chức này luôn đóng vai trò then chốt bảo đảm thương mại quốc tế phát triển theo các quy tắc được quốc tế công nhận. Hiện, WTO có 164 thành viên, chiếm tỷ trọng 98% thương mại toàn cầu.

Đối với hàng chục nền kinh tế gia nhập WTO, sau khi tổ chức này được thành lập, việc gia nhập liên quan đến các cải cách sâu rộng và các cam kết mở cửa thị trường đã thúc đẩy thu nhập quốc gia trong dài hạn.

Theo một khảo sát mới đây của Quỹ Bertelsmann (Đức), hầu hết các thành viên của tổ chức này đều được hưởng lợi từ WTO. Nhìn vào giá trị tuyệt đối, thành viên nào xuất khẩu nhiều, càng tận dụng lợi thế nhiều từ WTO. Tính theo đầu người, các thành viên nhỏ của WTO được lợi nhiều hơn các thành viên lớn. WTO đem lại lợi nhiều nhất cho các thành viên lần lượt là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Bỉ, Singapore, Pháp, Việt Nam, Anh, Canada, Thuỵ Sĩ và Thái Lan.

Với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, WTO đã thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng. Qua đó, thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung.

Nhu cầu cải cách cấp thiết

Tuy nhiên, sau chặng đường dài 1/4 thế kỷ, WTO cũng đang đối mặt với các mối đe dọa, đặc biệt từ các nước phát triển. Không thể phủ nhận những thách thức WTO đang phải đối mặt hiện nay, đặc biệt là việc đưa ra các hạn chế thương mại của một số nước trong hai năm qua, ảnh hưởng đến 747 tỷ USD hàng nhập khẩu toàn cầu vào năm 2019.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa đơn phương leo thang, tổ chức này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Vai trò và hoạt động của WTO đang bị lung lay trong bối cảnh chủ nghĩa toàn cầu hóa có dấu hiệu thoái trào và sự bất đồng lợi ích giữa các nước thành viên.

Tháng 12 vừa qua, cơ quan phúc thẩm WTO - cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu - đã rơi vào tình trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động. Việc Mỹ vô hiệu hóa khả năng phán quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO vô hình trung mở đường cho tất cả các quốc gia được thiết lập quy tắc riêng về thương mại, đe dọa ban hành một loạt biện pháp thuế quan và thuế chống trợ cấp mới, cũng như các hành động đơn phương khác, bao gồm cả việc rút khỏi những thỏa thuận nhượng bộ thuế quan hiện hành.

Hiện nay, WTO còn đang đối mặt với thách thức rất lớn trong vấn đề đàm phán. Việc đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... trong soạn thảo các hiệp định thương mại dường như là không thể.

Trên thực tế, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phàn nàn về cơ chế của WTO. Nhiều quốc gia khác cũng thất vọng khi WTO thất bại trong việc hiện đại hóa một thỏa thuận để giải quyết các vấn đề như thương mại kỹ thuật số hay các khoản trợ cấp.

Một thực trạng hiện nay là, nhóm cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada và Australia đang dần biến các cuộc đàm phán của WTO nhằm phục vụ những lợi ích cốt lõi riêng.

Điển hình như việc Mỹ muốn đảm bảo rằng các công ty công nghệ lớn của Mỹ tiếp tục thống trị thương mại điện tử toàn cầu, nên Washington muốn thông qua các quy tắc mới, đảm bảo các quốc gia khác không áp dụng thuế kỹ thuật số đối với giao dịch truyền điện tử, hoặc quy định điều kiện lưu trữ dữ liệu trong các máy chủ trong nước.

Để giải quyết khủng hoảng hiện nay, cải cách là biện pháp duy nhất. WTO cần phải được nhanh chóng cải tổ sâu rộng về nhiều phương diện để có được thêm nhiều thành tựu và vượt qua mọi thách thức trong tương lai. Trong đó, theo đánh giá của các chuyên gia, điều WTO cần quan tâm đến trước hết và nhiều nhất trong thời gian tới là phải đi đầu trong cuộc đấu với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xung khắc thương mại song phương trên thế giới, phải là chỗ dựa tin cậy và động lực cho tự do hóa thương mại trong tình cảnh bị thách thức và đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và xung khắc thương mại song phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều xung đột thương mại và chia rẽ, nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khiến nhiều người quan ngại về tương lai của tổ chức này. Làm thế nào các chính phủ thành viên WTO đối mặt với những thách thức cùng với việc định hình quá trình của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới vẫn là một bài toán khó.

Chính thức là thành viên của WTO từ ngày 11-1-2007, các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Việt Nam gia nhập WTO là "mở cánh cửa lớn" bước vào "sân chơi" toàn cầu. Hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

 

Theo NGUYỄN HƯỜNG (Báo Công thương)