Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Douwe van Hinsbergen, Giám đốc Trung tâm Kiến tạo toàn cầu và Địa chất cổ sinh, Đại học Utrecht (Hà Lan) đã xây dựng những mô hình kiến tạo tương lai của Trái Đất, dựa vào dữ liệu địa chất cổ đại và hiện đại.
Theo tóm lược trên Science Alert, họ nhận ra rằng một vành đai núi sẽ hình thành trong 200 triệu năm tới khi mảng kiến tạo đang "cõng" Somalia trên lưng tách khỏi châu Phi và lao về phía mảng đang "cõng" Ấn Độ.
Sự kiện này sẽ khiến phần Tây Bắc Ấn Độ hiện tại chui xuống bên dưới Somalia, bị chôn vùi tận 50 km; sau đó mảng mang Somalia lại xoay vòng và để Tây Bắc Ấn Độ xuất hiện trở lại ở một vị trí khác. Điều này từng xảy ra ở vùng đất nay là miền Tây Na Uy 400 triệu năm trước.
Một vành đai núi khổng lồ sẽ hình thành ở khu vực vịnh giữa Madagascar và châu Phi, cong mạnh, tạo ra một dãy núi lớn hơn bất cứ thứ gì của hiện tại mà các nhà khoa học đặt tên là Somalaya, một "Himalaya" của tương lai, vĩ đại hơn, theo bài viết của nhóm nghiên cứu trên The Conversation.
Tất cả những diễn biến đáng kinh ngạc nói trên đến từ hiện tượng gọi là "kiến tạo mảng", tức quá trình 15 mảnh vỏ của Trái Đất di chuyển, làm thay đổi cảnh quan, thậm chí là hình dạng các châu lục và đại dương. Kiến tạo mảng từng khiến tất cả các châu lục gom thành siêu lục địa, để rồi lại phân tách, rồi lại nhập lại... nhiều lần trong lịch sử.
Con người với đời sống ngắn ngủi không thể chứng kiến rõ ràng sự thay đổi này bởi tất cả đều diễn ra chậm chạp và thay đổi thường chỉ có thể trông rõ ràng sau ít nhất vài triệu năm. Tuy nhiên các nhà khoa học đã nhiều lần nhận thấy sự chuyển động bất thường dù chỉ vài cm của các lục địa và mảng kiến tạo. Kết hợp dữ liệu từ những phiến đá cổ đại, các mô hình được giới khoa học xây dựng đã dần tái hiện rõ ràng hơn lịch sử địa chất Trái Đất.
Theo ANH THƯ (Người lao động)