Xây dựng Đảng từ người đứng đầu - Bài cuối: Gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm

12/09/2021 - 14:59

 - Khi công tác xây dựng Đảng được quan tâm; tư tưởng, trách nhiệm cán bộ, đảng viên được nâng lên, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) như được thổi “làn gió mới” cho động lực phát triển. Dù trước mắt huyện còn khó khăn, nhưng niềm tin vào tương lai là rõ nét khi nhiều tiềm năng, lợi thế đang được đầu tư, khai thác đúng hướng.

Cán bộ, nhân dân tin tưởng

Là người gắn bó gần cả đời với vùng đất Tri Tôn và là cán bộ lãnh đạo huyện từ những giai đoạn rất khó khăn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Trường Sơn cảm nhận được sự thay đổi của huyện thời gian gần đây. “Ấn tượng của tôi trong khoảng 3 năm trở lại đây là sự khởi sắc khá toàn diện của huyện Tri Tôn. Các quy hoạch trước đây ở từng vùng, địa phương như “sống lại”. Từ thành thị đến nông thôn, nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đèn đường chiếu sáng được lắp đặt, công viên giải trí được xây dựng, văn minh đô thị được tăng cường… Nhờ người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện gương mẫu, tâm huyết, phát huy được tinh thần đoàn kết nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật nên từng cán bộ, đảng viên đã phát huy năng lực, trách nhiệm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, được người dân đồng tình, ủng hộ” – ông Trần Trường Sơn đánh giá.

Hình ảnh “ông Ba Liêm” thường xuyên đi cơ sở, gần gũi và lắng nghe quần chúng nhân dân đã không còn xa lạ với người dân huyện Tri Tôn. Bất kể là thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đều có thể tổ chức những chuyến thăm “không báo trước” đến các công trình đang xây dựng; khảo sát cầu, đường, quy hoạch nông thôn; đi động viên các chốt biên giới, lực lượng phòng, chống dịch hoặc kiểm tra những “điểm nóng” COVID-19; đến thăm những hộ dân khó khăn, gia đình có công với cách mạng… Sự tận tâm, gương mẫu của người đứng đầu đã kéo theo trách nhiệm của cả bộ máy từ huyện đến xã, thị trấn, khóm, ấp. Nơi nào làm tốt sẽ được khen thưởng nhưng nếu lơ là, chủ quan là bị phê bình ngay.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (thứ 2, từ trái sang) cùng đoàn công tác tỉnh đi cơ sở thăm hỏi người thu mua lúa

Vai trò người đứng đầu huyện Tri Tôn còn truyền cảm hứng đến người dân, doanh nghiệp. Điển hình như ở ấp Tô Thủy (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), vợ chồng gia đình nông dân Lâm Văn Nhơn và Ngô Thị Thanh Thoảng dù không dư dả, nhưng vẫn vui vẻ ủng hộ số tiền 700 triệu đồng, cùng với địa phương, nhà hảo tâm, người dân xây dựng cây cầu trị giá 1,5 tỷ đồng bắc qua kênh 13, nối liền ấp Tô Thủy (xã Núi Tô) và ấp Tân Trung (xã Tà Đảnh).

Trong quá trình xây dựng 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, nhắc nhở các địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ. Qua đó, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa 680 triệu đồng cùng hơn 10.000 ngày công lao động trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, vận động xây mới thêm 2 cầu bê-tông, tận dụng lại 6 cầu sắt cũ với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Cùng với đó là xây mới hơn 14km đường bê-tông, trải đá cấp phối nâng cấp để đấu nối thông trục, liên tuyến với các công trình cầu, tổng kinh phí thực hiện gần 20,4 tỷ đồng, giúp kết nối thông suốt toàn tuyến của “vùng trũng” xã Núi Tô.

Tận tâm vì công việc

Nhận xét về vai trò của ông Cao Quang Liêm từ khi được phân công về huyện Tri Tôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (hiện là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) từng khẳng định: “Từ khi phân công đồng chí Cao Quang Liêm đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy, sau đó là thêm nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất yên tâm. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Tri Tôn thể hiện tính đoàn kết, thống nhất, ổn định tốt hơn. Huyện đã kiện toàn công tác nhân sự, bộ máy hoạt động, phát huy hiệu quả cao. Kinh tế - xã hội của huyện có khởi sắc; diện mạo nông thôn, đô thị được chuẩn hóa, chất lượng sống của người dân được nâng lên. Huyện đã quan tâm tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, phát huy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sức mạnh nội lực, thúc đẩy phát triển. Tri Tôn đã nhìn thấy và bước đầu khai thác tốt thế mạnh du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Tinh thần đoàn kết nội bộ, “làn gió mới” về thay đổi được chứng minh qua kết quả đợt phát động thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, toàn huyện Tri Tôn có 42 đơn vị đăng ký thực hiện 70 công trình. Trong tổng kinh phí thực hiện gần 8,2 tỷ đồng, nguồn huy động xã hội hóa, vận động đóng góp từ nhân dân và doanh nghiệp chiếm hơn 6,6 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương đối ứng. Trong đó có 14 công trình mang lại ý nghĩa phục vụ cho cơ quan, đơn vị; 56 công trình dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (thứ 2, từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (bìa trái) và Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (bìa phải) động viên lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Tại thị trấn Tri Tôn, trung tâm của huyện, cả 6 công trình thi đua đều đóng góp xây dựng bộ mặt đô thị văn minh. Thị trấn đã tiến hành bê-tông hẻm số 1, đường hẻm miếu Bà Cô Hai, hẻm số 2 với tổng chiều dài 420m (kinh phí 330 triệu đồng); xây dựng công trình công viên cầu 16, bờ kè đường Điện Biên Phủ (dưới chân cầu Cây Me) với kinh phí xã hội hóa 181 triệu đồng. UBND thị trấn Tri Tôn đã vận động người dân hiến đất nâng cấp, mở rộng 3 tuyến đường nội ô. Các công trình góp phần tạo cảnh quan đô thị thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Đối với xã An Tức, đã thực hiện nâng cấp, mở rộng và bê-tông tuyến đường từ hồ Soài Chek (xã Núi Tô) đến An Tức với chiều dài 2.436m, kinh phí gần 5,4 tỷ đồng, trong đó vận động xã hội hóa trên 1,5 tỷ đồng. Đối với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn, thực hiện 2 công trình gồm cổng chào đèn led trên đường Trần Hưng Đạo (khu vực trước cổng đơn vị) và tuyến đường hoa phía trước đơn vị với tổng kinh phí vận động xã hội hóa 140 triệu đồng cùng 70 ngày công lao động. Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn thực hiện công trình trồng cây xanh, trang trí các hình con vật tạo vẻ mỹ quan khu du lịch - thể thao hồ Soài Chek với tổng kinh phí 504 triệu đồng, trong đó vận động xã hội hóa 385 triệu đồng…

Phát triển bền vững

Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tri Tôn lần thứ XII đã thống nhất chọn 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó coi trọng sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp và phát triển đô thị; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, kinh tế nông nghiệp và du lịch; tập trung mời gọi, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

Đại hội đề ra những chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng đến năm 2025 như: giá trị sản xuất (GO) 13.304,9 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân 154,56 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình 65,216 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 13.840 tỷ đồng; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 54,38% (31/57 trường); tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,25%; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 1,5-2%; số bác sĩ trên 10.000 dân là 6 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân là 14,42 giường; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 98%; tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch đến năm 2025 đạt 91,66%; tỷ lệ che phủ rừng 38,64%...

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (thứ 5, từ trái sang) tin tưởng với vai trò lãnh đạo của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (thứ 6, từ phải sang), huyện Tri Tôn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, để triển khai nghị quyết đạt hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh khai thác lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Tri Tôn sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp - xây dựng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

“Trong những nhiệm vụ quan trọng nhiệm kỳ mới, Tri Tôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, phục vụ kinh tế nông nghiệp và du lịch. Trong thực hiện công tác đào tạo, phải gắn với quy hoạch cán bộ, thực hiện theo kế hoạch hàng năm và cả nhiệm kỳ, bảo đảm tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó, công tác xây dựng Đảng được xem là nhiệm vụ then chốt” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm khẳng định.

“Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay, tỉnh rất yên tâm khi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm là người có năng lực công tác, lãnh đạo. Việc chỉ đạo, điều hành của huyện Tri Tôn rất bài bản, quyết liệt, hiệu quả. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ, trong đó đứng đầu là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn. Lãnh đạo tỉnh tin tưởng Tri Tôn sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, có kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Từ đó, khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là thế mạnh du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đưa Tri Tôn phát triển” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận xét trong chuyến khảo sát, làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Tri Tôn.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN