Gia đình ông Vương Minh Cư (phường Long Sơn, TX.Tân Châu, An Giang) có 4 người cùng chung sống. Bản thân ông đã về hưu, 2 con trưởng thành, có công việc ổn định nên càng yên tâm cho vợ chồng ông.
“Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Từ thuở nhỏ đến lúc già, bản thân tôi cùng gia đình không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để có được cuộc sống khấm khá như hôm nay” - ông Cư cho biết.
Là một nhà giáo nên ông Cư luôn ý thức bản thân và gia đình mình phải gương mẫu. Vì thế, ngay trong “nếp nhà”, các thành viên trong gia đình được giáo dục phải biết “kính trên, nhường dưới”, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống và hạnh phúc gia đình. Trong cuộc sống, các thành viên trong gia đình luôn hòa nhã với mọi người.
“Nhiều người nghĩ rằng, cứ đem nhiều tiền về cho gia đình là đã thể hiện đủ trách nhiệm. Theo tôi, điều đó chưa đủ. Chúng ta còn phải dành thời gian, tình cảm cho gia đình. Mình làm thật nhiều tiền, xây nhà thật lớn, cho con học trường đắt tiền… nhưng trong căn nhà ấy thiếu vắng sự sẻ chia, trống trải, con cái suốt ngày chỉ biết học mà không ai quan tâm, bởi vì cha mẹ bận rộn chuyện kiếm tiền… Như vậy, có khi còn thua cuộc sống của những gia đình nghèo nhưng ở đó luôn tràn ngập niềm vui” - ông Cư chia sẻ.
Biểu dương các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc
Ông Vương Minh Cư cũng như nhiều gia đình khác trong tỉnh, nhờ thông qua các kênh tuyên truyền đã hiểu rõ hơn về giá trị của hạnh phúc. Đồng thời, nhiều người hiểu rằng giữ gìn văn hóa gia đình là việc cần thiết làm nền tảng cho tổ ấm của mỗi người. Gia đình là tế bào của xã hội. Chính vì thế mà gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững thì đất nước mới phồn vinh.
Những năm qua, công tác gia đình đã được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) và đóng góp vào thành tựu phát triển chung. Các mô hình đã thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Điều đó chứng tỏ, việc xây dựng gia đình hạnh phúc ngày càng được quan tâm nhiều hơn, điển hình như các mô hình: “Gia đình phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... Nhiều mô hình PCBLGĐ ở các địa phương được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 491 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” (GĐPTBV), 441 nhóm PCBLGĐ và 326 địa chỉ tin cậy…
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các địa phương đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác PCBLGĐ. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Thông qua các cuộc sinh hoạt định kỳ của các Câu lạc bộ “GĐPTBV” đã làm nâng cao nhận thức của người dân về BLGĐ. Các nhóm PCBLGĐ thường xuyên nhắc nhở các đối tượng có hành vi bạo lực (hoặc có nguy cơ gây bạo lực), đồng thời giúp đỡ, tư vấn kịp thời cho các nạn nhân BLGĐ, hạn chế thấp nhất các vụ bạo hành có thể xảy ra.
Gia đình hạnh phúc là nền tảng của mọi thành công. Hiểu được ý nghĩa của một gia đình hạnh phúc thì mọi người mới cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về xây dựng gia đình hạnh phúc. Chủ động nghiên cứu, đề xuất tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao nhân ngày “Quốc tế hạnh phúc” (20-3) hàng năm nhằm động viên, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc. Qua đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng GĐPTBV, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH