Xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

06/12/2021 - 07:33

 - Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đó cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả từ mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ.

Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng các gia đình trẻ tiêu biểu

Gia đình chính là nơi đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của con người. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Ở đó, quan trọng nhất là sự chia sẻ, yêu thương, quan hệ bình đẳng, đồng thuận…

Khái niệm “bình đẳng giới” không còn xa lạ trong xã hội hiện đại, phần lớn các gia đình tiếp nhận và mong muốn có cuộc sống văn minh, bình đẳng. Tuy nhiên, để tương thích với mỗi gia đình ở Việt Nam, rõ ràng đó chưa phải là một điều dễ dàng. Nhằm tuyên truyền về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đẩy mạnh “xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”… Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh với chủ đề “Bình đẳng giới - Hạnh phúc của mỗi gia đình” và tuyên dương gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc. Bằng hình thức trực tuyến, các diễn giả chia sẻ chân tình về những câu chuyện đẹp về: Tình yêu, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; cách để duy trì, gắn kết bền chặt trong một đại gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, giữ lửa hạnh phúc; về những câu chuyện chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái, dung hòa giữa cuộc sống hôn nhân và công việc…

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Phương Linh chia sẻ: Chức năng của hội là chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trong đó tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển. Có thể nói, vai trò của người phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định chất lượng hạnh phúc gia đình. Trong đó, vai trò làm mẹ - thiên chức cao quý, là người chăm lo cho gia đình, quán xuyến, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Vai trò, vị trí đó thể hiện thông qua việc: Dạy dỗ con theo các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sống tình cảm, nhân hậu, chia sẻ yêu thương… Đặc biệt, người phụ nữ có vai trò quan trọng thực hiện “bình đẳng giới” trong gia đình và tích cực phòng, chống bạo lực, tệ nạn xã hội trong gia đình…

Trong giai đoạn phát triển mới, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội. Gia đình vẫn là nơi kết nối các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên, bác sĩ, chiến sĩ trẻ đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy đi vào tâm dịch. Gia đình luôn là điểm tựa, niềm tin, động viên họ vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều gia đình quyên góp ủng hộ vật chất, tinh thần, gương mẫu, động viên người thân chấp hành tốt chủ trương, chung sức cùng Đảng và nhà nước quyết tâm phòng, chống dịch bệnh.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Võ Thị Thủy Tiên cho biết, các cơ sở Đoàn, đoàn viên, thanh niên đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua, góp phần xây dựng gia đình trẻ no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả của mỗi gia đình.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn mong muốn các cơ sở Đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước về công tác gia đình, đặc biệt là đề cao vai trò gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống, giá trị văn hóa chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam… trong giai đoạn mới. Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, gia đình người có công, người cao tuổi; thực hiện tốt an sinh xã hội, hỗ trợ gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc, phát huy vai trò gia đình vượt qua khó khăn phát triển kinh tế. Chủ động, trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.

“Để tạo dựng gia đình hạnh phúc, mỗi phụ nữ chúng ta cần phải luôn tự tin, có thái độ sống tích cực, gương mẫu và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ (thủy chung, vị tha, trách nhiệm, đôn hậu, đảm đang, giàu tình yêu thương) để mang đến quả ngọt hạnh phúc gia đình. Bởi, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Phương Linh chia sẻ.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH  

 

Liên kết hữu ích