Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại

29/10/2019 - 07:53

 - “Đây là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm giúp công tác quản lý, theo dõi việc xử lý vi phạm hành chính, hình sự trên lĩnh vực này đạt hiệu quả cao. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thể hiện sự quyết tâm của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ khẳng định.

Sự cần thiết

An Giang có gần 100km đường biên giới, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Địa hình khu vực biên giới đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, rạch và đường mòn, lối mở thông với nhau. Đối tượng buôn lậu đã lợi dụng địa hình này để ngày đêm (tìm mọi cách) đưa hàng lậu từ biên giới Campuchia sang Việt Nam. Thời gian qua, BCĐ 389 tỉnh đã có nhiều chuyến khảo sát dọc biên giới 2 nước (thuộc địa phận An Giang), phát hiện phía ngoại biên, đối diện biên giới chúng ta có đến 26 kho hàng. Đây là khu vực tập kết hàng hóa để thẩm lậu qua biên giới, chính điều này làm cho công tác chống buôn lậu trở nên vất vả hơn.

Nhiều năm qua, mặc dù các lực lượng chức năng như: quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng đã làm hết sức mình, ngăn chặn nhằm hạn chế sự thẩm lậu của hàng hóa trái phép, tuy nhiên do “mãi lực” của đồng tiền quá lớn, các đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức vẫn ngày đêm tìm mọi cách đưa hàng qua biên giới, làm cho công tác chống buôn lậu, đặc biệt là công tác trinh sát nắm tình hình, điều tra, phá án gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 phát biểu tại hội thảo

Mới đây, ngày 15-10 tại Hội thảo xây dựng “Cơ sở dữ liệu phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” được BCĐ 389 tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Trương Hữu Nghĩa (cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh) cho biết, hiện nay khi bắt giữ các đối tượng vi phạm, để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định pháp luật, lực lượng này phải tra cứu tiền án, tiền sự để biết đối tượng đó đã từng bị bắt hay bị xử lý với hình thức nào, do lực lượng công an nào xử lý (trên phạm vi toàn quốc). Nếu biết đối tượng đó đã từng vi phạm do các lực lượng chống buôn lậu như: hải quan, biên phòng hay quản lý thị trường bắt, xử lý thì lực lượng làm nhiệm vụ điều tra phải đến từng ngành để tra cứu. “Việc này mất rất nhiều thời gian, dễ dẫn đến thời hiệu xử lý hết hạn. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống “Cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là việc làm hết sức cần thiết” - ông Nghĩa khẳng định.

Đẩy nhanh việc ứng dụng

Từ sự cần thiết đó, ngày 15-5-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2017-2018 và ngày 23-3-2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề tài “Cơ sở dữ liệu phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại”, theo đó đơn vị chủ trì thực hiện sẽ được giao cho Trung tâm Dịch vụ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông). “Từ tháng 4 đến tháng 8-2018, ban chủ nhiệm đề tài đã bắt tay khảo sát hiện trạng các mảng thông tin, dữ liệu đang được sử dụng tại đơn vị chức năng, từ đó đề xuất mô hình quản lý, cơ chế bảo mật hệ thống dữ liệu. Sau khi hoàn thành, chúng tôi tiến hành hội thảo để lấy ý kiến đóng góp, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh. Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành xây dựng quy định quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác và tiến hành tập huấn sử dụng cho các đơn vị chức năng…” - ThS Trần Trung Chánh (Chủ nhiệm đề tài “Cơ sở dữ liệu phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại”) chia sẻ.

Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thị sát tình hình ở khu vực biên giới

Tính đến thời điểm này, việc xây dựng hệ thống “Cơ sở dữ liệu chống buôn lậu, gian lận thương mại” đã cơ bản hoàn thành. Hệ thống này được các đơn vị ứng dụng đánh giá cao về tính năng truy xuất dữ liệu, độ bảo mật thông tin. “Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả biết được thông tin của người vi phạm, có vi phạm hay chưa để có hướng xử lý tiếp theo, qua đây cũng biết được đơn vị nào trực tiếp xử lý. Hệ thống này còn giúp người dùng thống kê được danh sách của những người vi phạm…” - ông Nghĩa đánh giá.

“Với việc đưa phần mềm này vào ứng dụng rộng rãi, tôi cho rằng hiệu quả sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, trên trận tuyến này, ngoài hệ thống cơ sở dữ liệu ra, các lực lượng chức năng muốn chống buôn lậu hiệu quả, chúng ta phải biết dựa vào dân, bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”” - ông Huỳnh Ngọc Hồ khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN