Xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Marburg

26/04/2023 - 09:15

Chiều 25/4, tại Hà Nội, Hội đồng Chuyên môn nghiệm thu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Marburg đã họp dưới sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn; Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia truyền nhiễm, hồi sức của nhiều bệnh viện tuyến cuối để xem xét nghiệm thu như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố…, cùng với sự tham dự của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết Marburg. Tuy nhiên, để chủ động phát hiện, phòng ngừa và điều trị các bệnh hiệu quả tại các cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dự thảo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Marburg.

Tại cuộc họp Hội đồng, các chuyên gia cho ý kiến để thống nhất ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Marburg để hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm ca bệnh khi có xâm nhập và cách ly, điều trị hiệu quả. 

Bệnh sốt xuất huyết Marburg là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Marburg gây ra. Bệnh được phát hiện đầu tiên năm 1967 và hiện nay vẫn đang gây dịch lẻ tẻ tại một số quốc gia. Bệnh có thể lây từ động vật sang người hoặc từ người sang người khi tiếp xúc với máu, chất dịch cơ thể, đồ vật bị ô nhiễm của người/động vật nhiễm bệnh.

Biểu hiện thường gặp của bệnh bao gồm: sốt cao, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn/nôn và bệnh có thể gây xuất huyết, suy tạng nặng ở gia đoạn biến chứng. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 88%). Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát, phòng, chống dịch bệnh Marburg.  

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

Các đơn vị cần rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Theo TTXVN