Người dân đồng lòng
Được công nhận xã NTM nâng cao, Tà Đảnh trở thành xã đầu tiên của huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đạt được mục tiêu đáng tự hào này. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương cửa ngõ huyện Tri Tôn, khi Tà Đảnh có xuất phát xây dựng NTM thấp (năm 2010 chỉ đạt 4/19 tiêu chí NTM), là xã thuần nông nên đời sống người dân còn khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng giúp Tà Đảnh đạt chuẩn xã NTM (năm 2017) rồi NTM nâng cao như hôm nay.
“Lúc mới bắt tay xây dựng NTM, chúng tôi còn mơ hồ nghĩ rằng, đó là trách nhiệm đầu tư của nhà nước, người dân không cần quan tâm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM, chính người dân được thụ hưởng lớn nhất khi cầu, đường được nâng cấp, xây mới; trường học, trạm y tế được nâng lên chuẩn quốc gia; điện, nước sạch phủ khắp nhà dân; giao thương, đi lại đều thuận tiện… Thấy được lợi ích của NTM, người dân đã tích cực hiến đất làm đường, góp công, góp của cùng nhà nước xây dựng NTM” - lão nông Châu Thành Phú (78 tuổi, người sống kỳ cựu ở xã Tà Đảnh) chia sẻ.
Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Tà Đảnh có sự chung sức, đồng lòng của người dân
Trong quá trình xây dựng NTM của xã, gia đình ông Châu Thành Phú đóng góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng cầu, đường nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội. “Tôi nghĩ, xây dựng NTM đã khó, giữ vững các tiêu chí NTM càng khó hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Từng người, từng nhà phải cùng nỗ lực giữ gìn, nâng cao chất lượng NTM và NTM nâng cao. Không cần làm việc gì to lớn, chỉ cần cùng nhau bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi, canh tác nông nghiệp; đóng góp công sức tu bổ khi cầu, đường có dấu hiệu xuống cấp; giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục, tất cả vì đàn em thân yêu…” - ông Phú bộc bạch.
Chính sự chung sức, đồng lòng, suy nghĩ bình dị nhưng hào sảng của những người như lão nông Châu Thành Phú đã tạo động lực lớn để xã Tà Đảnh nói riêng, các xã trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung lần lượt hoàn thành xây dựng NTM, rồi NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu.
Quan tâm chất lượng
“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chương trình phát triển toàn diện gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Xây dựng NTM giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Qua xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại hóa bằng việc chuyển đổi số, đảm bảo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm (Ủy viên Thường trực các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh An Giang) nhấn mạnh.
Ông Lâm cho biết, tính đến tháng 5/2022, An Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành NTM (Thoại Sơn, Long Xuyên và Châu Đốc); 67/116 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. “Quá trình xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương, sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của người dân giữ vai trò quan trọng. Được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao là vinh dự, niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương. Xây dựng NTM, NTM nâng cao đã khó, giữ vững được những thành quả đó một cách bền vững và hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu càng khó hơn, đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nữa” - ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để đảm bảo chất lượng xây dựng NTM, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Đồng thời, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng NTM, nhằm biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng và xã hội; phát huy vai trò chủ thể của người dân bằng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
UBND cấp huyện, xã cần quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng, sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đưa vào sản phẩm OCOP để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
“Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi tâm thế ủng hộ, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là người dân, doanh nghiệp” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.
|
NGÔ CHUẨN